“Các địa phương có quyền quyết định số phận của Uber, Grab”
Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh thành phố quản lý giao thông trên địa bàn, trong đó có tổ chức các loại hình vận tải...
“Đây là kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội nên địa phương sẽ xem xét, tuỳ theo điều kiện hạ tầng giao thông cụ thể của các địa phương, có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng của địa phương”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời như vậy, khi ông nhận được câu hỏi từ báo giới chiều 3/10 trước kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về việc dừng khẩn cấp hoạt động dịch vụ xe chở khách Uber và Grab trong tháng 9 vừa qua.
Theo Thứ trưởng Đông, loại hình vận tải có sử dụng công nghệ quản lý vận tải, kết nối đã phổ biến ở nước ta vài năm nay. Chúng ta đã quen dùng Uber, Grab taxi, nhưng thực tế hiện có 10 hãng áp dụng công nghệ kết nối, không chỉ bằng điện thoại mà còn trên hiều nền tảng công nghệ khác, mang lại thuận lợi cho người sử dụng.
Về thẩm quyền, Thủ tướng đã cho thí điểm và đang triển khai tại các đô thị. Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, thành phố quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có cả quản lý quy hoạch giao thông với quy hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch lượng xe, tổ chức các loại hình vận tải…
Tất cả các yếu tố này phải được xác định từ quy hoạch phát triển hạ tầng, từ mức độ phát triển hạ tầng hiện hữu… Số lượng sẽ được xác định thông qua quy hoạch. Việc kiểm soát số lượng phương tiện theo loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương.
“Đây là kiến nghị của Hiệp hội Vận tải, địa phương sẽ xem xét, tuỳ theo điều kiện hạ tầng giao thông cụ thể của các địa phương, có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng của địa phương”, Thứ trưởng Đông cho hay.
Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó báo cáo hàng loạt sai phạm của chương trình thí điểm Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về hoạt động của Uber và Grab.
Trong đơn thư này, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng Bộ Giao thông Vận tải sai phạm trong việc để cho các đơn vị tham gia thí điểm vi phạm nghiêm trọng những quy định pháp luật của Việt Nam.
Cụ thể, Công ty TNHH GrabTaxi ngang nhiên cho hoạt động dịch vụ GrabShare dù lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu công ty này dừng. Grab liên tục giảm giá cước nhiều lần, vi phạm quy định của Nghị định 37/2006/NĐ-CP.
Đối với Uber Việt Nam, công ty này hoạt động bất hợp pháp tại Hà Nội suốt ba năm từ 2014 đến năm 2017. Tại Đà Nẵng, Uber không cho phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo rầm rộ, tuyển dụng lái xe, hàng nghìn xe Uber, Grab vẫn đang hoạt động trái phép tại Đà Nẵng.
Theo tính toán của Hiệp hội Taxi Hà Nội, tổng số xe tham gia thí điểm hiện nay cả Uber và Grab là 50.000 xe. Với doanh thu bình quân 30 triệu đồng/xe/tháng, theo công bố của Uber và Grab, thì một tháng doanh thu của mỗi công ty Uber và Grab là 1.500 tỷ đồng. Tổng số thuế phải nộp của một công ty là 67,5 tỷ đồng/tháng, tương ứng với 810 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, với số 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm, dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỷ đồng, có nghĩa mỗi ngày Uber, Grab đã chuyển ra nước ngoài khoảng 10 tỷ đồng. “Số tiền thất thu của ngân sách nhà nước là rất lớn”, Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ luỵ của Kế hoạch thí điểm gây ra nhiều bất ổn cho xã hội.