Các địa phương có 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô khoảng 182.200 căn nhưng hầu hết chậm tiến độ hoặc ngừng thi công

24/09/2019 15:14 PM | Bất động sản

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trong hội thảo "Giải pháp an cư cho công nhân lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" tổ chức tại TP.HCM vào ngày 24/9

Nhu cầu nhà ở cho công nhân rất cấp thiết

Theo số liệu do ông Ninh cung cấp, tính đến đầu năm 2018 có khoảng 1,2 triệu công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở , dự kiến đến năm 2020 là khoảng 1,7 triệu người. 

Tại các đô thị lớn hay tỉnh thành tập trung các khu công nghiệp - khu chế xuất như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, người lao động nhập cư chiếm phần đông dân số và vấn đề sở hữu nhà ở rất bức thiết.

Riêng ở TP.HCM, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, công nhân lao động, người nhập cư. Trong đó, có khoảng 300.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, đang có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống cùng người thân, chiếm 1/4 tổng số hộ gia đình. Có 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (chiếm 65% - 94% đối tượng khảo sát).

Chỉ mới bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ

Ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định.

"Hiện nay ngân sách nhà nước chỉ mới bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội", ông Ninh nói.

Theo các báo cáo của các địa phương, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, nhưng hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường gần đây rất hạn chế.

Mặc dù nhà ở xã hội được hỗ trợ để bán ở mức giá thấp hơn từ 20%-30% giá của nhà ở thương mại cùng loại trên thị trường nhưng vì thu nhập của người công nhân còn khá thấp để tiếp cận.

Bân cạnh đó, tâm lý đa số người thu nhập thấp, công nhân lao động vẫn muốn sở hữu nhà ở hơn là thuê nên nhiều chủ đầu tư không thể cho thuê được, dù pháp luật quy định phải dành 20% nhà ở xã hội trong các dự án để cho thuê.

Các địa phương có 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô khoảng 182.200 căn nhưng hầu hết chậm tiến độ hoặc ngừng thi công - Ảnh 1.

Số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường gần đây rất hạn chế

Giải quyết bài toán nhà ở bằng nhiều mô hình gắn với phát triển đô thị

Từ thực tiển TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu đề xuất nhiều mô hình giải quyết bài toán nhà ở bằng gắn với phát triển đô thị.

Theo đó, các dự án nhà ở sẽ gắn với các khu đô thị vệ tinh và hình thành phân khúc rõ ràng. Các tầng lớp dân cư vẫn có điều kiện sống cùng nhau, trên một nền tảng hạ tầng hoàn thiện, một đô thị đầy đủ chức năng, có hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn như metro, monorail...

Một định hướng giải pháp khác cũng được đề cập là chỉnh tranh, tái phát triển khu vực đô thị cũ, phát triển các dự án khu dân cư quy mô lớn ở vùng ven đô hoặc vùng giáp ranh TP.HCM.

Ngoài ra, ông Châu còn khẳng định mô hình văn phòng - lưu trú (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment), căn hộ du lịch (condotel), cửa hàng - lưu trú (shophouse) là nhu cầu thật của thị trường, kết hợp vừa làm việc vừa lưu trú. 

"Nhìn tổng thể, các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang giữ vai trò thống lĩnh thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp quy mô lớn còn quá ít, phần lớn là doanh nghiệp loại vừa, hạn chế về vốn và năng lực", ông Châu nói.

Mặc khác, doanh nghiệp tư nhân nước ngoài (FDI) đang góp phần không nhỏ trong quá trình hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản và nhà ở.

Trong hơn 20 năm qua, nhiều tỉnh thành thuộc vùng ven TP.HCM có tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp nhanh cũng giúp TP.HCM giảm bớt áp lực nhập cư nhờ cơ cấu lại sản xuất và dân cư trong vùng.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM