Các cuộc điện đàm gây sóng gió của ông Trump
Trước thềm lễ nhậm chức vào tháng 1-2017, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có không ít cuộc điện đàm đe dọa gây sóng gió trong các mối quan hệ ngoại giao song phương.
Mới nhất là cuộc điện đàm giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2-12. Đây là lần đầu tiên một sụ kiện như thế diễn ra kể từ khi quan hệ ngoại giao Mỹ - Đài Loan chính thức bị cắt đứt năm 1979.
Cuộc điện đàm này dĩ nhiên là chọc giận Trung Quốc. Bằng cách gọi bà Thái Anh Văn, nhóm chuyển giao của ông Trump ngầm cho thấy rằng họ đang cân nhắc xem Đài Loan là một quốc gia độc lập bất chấp Washington lâu nay ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc".
Ông Trump trò chuyện với công nhân Công ty Carrier ngày 1-12. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Dư luận cũng quan tâm đến thông tin của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 2-12, theo đó ông Trump đã mời ông đến Nhà Trắng vào năm sau. Tuy nhiên, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump hiện vẫn chưa xác nhận thông tin từ phía Philippines.
Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm bị "soi" gắt gao vì ông Duterte vướng cáo buộc vi phạm nhân quyền và từng xúc phạm Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thậm chí, ông Duterte tuyên bố chia tách khỏi Washington trong chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 10.
Tổng thống Philippines Duterte nói đã được ông Trump mời đến Nhà Trắng vào năm sau. Ảnh: PHILSTAR
Trước đó, ông Trump tán dương Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, người lên nắm quyền từ năm 1991 đến nay. Trong điện đàm với Tổng thống Kazakhstan ngày 30-11, ông Trump nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của ông Nursultan Nazarbayev, nước Kazakhstan đạt được "thành công tuyệt vời" mà có thể gọi là “phép lạ”.
Trước đó, ông Trump chấp nhận lời mời thăm Pakistan, “một đất nước tuyệt vời”. Thông tin này có trong văn bản ghi lại nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ngày 30-11 và được chính phủ Pakistan công bố.
Cuộc gọi có thể phá vỡ thế cân bằng mong manh trong mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan mà Mỹ bấy lâu nay cố gắng duy trì theo sau những cuộc đụng độ giữa 2 quốc gia láng giềng ở Nam Á này.
Ngày 10-11, ông Trump chỉ điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May sau khi trò chuyện với 9 lãnh đạo khác - một động thái khác thường nếu xét đến quan hệ đặc biệt lâu nay giữa 2 nước. Chưa hết, lời mời bà May đến Mỹ cũng không mấy trang trọng: "Nếu muốn đến Mỹ, bà hãy cho tôi biết".
Đáng nói là ông Trump còn gặp cựu chủ tịch Đảng Độc lập Anh Nigel Farage và cho rằng ông này nên làm Đại sứ Anh tại Mỹ. Hành động này không chỉ đe dọa khiến bà May khó chịu mà còn bị xem là can thiệp vào vào chuyện bố trí nhân sự của chính phủ nước khác.
Có một chuyện cũng khiến mọi người khó hiểu khác. Ấy là việc Ivanka Trump, con gái tổng thống Mỹ đắc cử, tham gia cuộc gặp cha và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại tòa nhà Tháp Trump ở TP New York ngày 17-11. Dường như ông Trump vẫn chưa tách bạch được chuyện kinh doanh, vốn được con gái giúp quản lý, và việc nhà nước. Dĩ nhiên, cô Ivanka không có vai trò gì trong chính phủ cả.