Người thu nhập thấp ngày càng khó mua nhà
Phần lớn người dân đô thị có thu nhập trung bình, người nhập cư ngày càng khó mua, khó thuê nhà...
Thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trước hết là do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp và nhà ở bình dân. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở phân khúc này luôn rất lớn.
Thống kê của Công ty Savills cho thấy, một vài năm trở lại đây, người mua nhà ở Tp.HCM và Hà Nội có hồ sơ khá tương đồng. Người ở/người sử dụng thực có xu hướng chiếm đa số trong phân khúc hạng C. Sự gia tăng về nhu cầu nhà giá rẻ đã làm cho số lượng giao dịch hạng C tăng cao.
Nguồn cung nhà giá rẻ đang sụt giảm
Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường nhà ở từ đầu năm 2019 đến nay đã bị sụt giảm mạnh. Điều này không chỉ gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản mà phần lớn người dân đô thị có thu nhập trung bình, người nhập cư cũng ngày càng khó mua, khó thuê nhà.
Nói về thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM bày tỏ: "Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM rất lo ngại trước tình trạng sụt giảm quy mô thị trường bất động sản, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2ha233 và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời cũng chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn, giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, căn hộ bình dân giảm 34,7%. Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền được đưa ra thị trường".
Cũng theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, nguồn cung nhà ở bình dân tại thành phố trong tương lai rất hạn chế. Bởi 74% tổng số dự án là những dự án có đất hỗn hợp, quy mô lớn, nằm tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành (nguồn cung chủ yếu nhà ở bình dân).
Các dự án này bao gồm đất ở, đất nông nghiệp mà doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án. Theo quy định, phần diện tích này phải đấu giá theo giá thị trường. Do đó, đến nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại (mới) đã giải phóng mặt bằng, có quỹ đất hỗn hợp đều bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư.
"Trong vòng 5 năm, số dân Tp.HCM sẽ tăng hơn 1 triệu người. Nếu thành phố không đề ra các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số thì chỉ vài năm tới, nhu cầu nhà ở sẽ hết sức nan giải", Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM nhận định.
Bức thiết nhu cầu nhà ở bình dân
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết. Xu hướng các gia đình trẻ, gia đình tách hộ... ngày càng tăng. Hơn nữa, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh, ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ nhà ở giá rẻ. Trong khi đó, thị trường đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền; thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp.
Nhà nước chưa có chính sách tín dụng phù hợp hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở cũng như cơ chế chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở cho thuê để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Bởi vậy, thị trường bất động sản nhà ở, nhất là phân khúc bình dân trong 2019 – 2020 có thể gặp khó khăn và thu hẹp hơn nhiều so với giai đoạn vài ba năm trước.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản đề nghị các địa phương cần triển khai xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở làm cơ sở cấp phép đầu tư cho các dự án nhà ở. Rà soát, bổ sung quy hoạch để có quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.
Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp khu vực đô thị. Sớm thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở để người dân chủ động tham gia, tạo nguồn vốn cải thiện nhà ở của bản thân cũng như có trách nhiệm đối với việc này.