Quốc gia nhỏ bé 5,6 triệu dân này đang sở hữu ngành nông nghiệp đến Trung Quốc cũng phải học hỏi

29/08/2019 10:10 AM | Xã hội

Với 1,4 tỷ người, Trung Quốc đã phải đầu tư rất mạnh cho nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, họ lại phải học hỏi từ một quốc gia chỉ có 5,6 triệu dân.

Đan Mạch là một nước nhỏ với 5,6 triệu dân và chi phí lao động khá cao, dẫu vậy quốc gia này lại có thế mạnh về nông nghiệp, một ngành kinh tế truyền thống. Hiện Đan Mạch sản xuất khoảng 30 triệu con lợn mỗi năm và có thương hiệu khá nổi tiếng về các mặt hàng nông sản. Bình quân nông dân nước này có thể sản xuất lương thực cho 15 triệu người mỗi năm, cao gấp 3 lần tổng dân số.

Năm 2015, các mặt hàng nông sản chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên hiện nông sản không còn là nguồn đóng góp chính cho nền kinh tế khi chỉ chiếm 2% tổng GDP. Dẫu vậy nhắc đến Đan Mạch, hình ảnh về nông sản sạch, chất lượng và công nghệ cao luôn song hành.

Tổng kim ngạch xuất khẩu lương thực, thực phẩm của Đan Mạch đã tăng từ 4 tỷ Euro (5,5 tỷ USD) năm 2001 lên 16,1 tỷ Euro năm 2011. Chính phủ Đan Mạch đặt mục tiêu nâng con số này lên 6,7 tỷ Euro năm 2020.

Khoảng 2/3 số nông sản của Đan Mạch sản xuất được bán sang hơn 100 nước khác và chỉ 50% trong số xuất khẩu là sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Điều này đồng nghĩa nông dân Đan Mạch đang cạnh tranh với các nông trại trên toàn thế giới mà không hề lép vế.

Vậy tại sao một nền kinh tế phát triển, nơi dịch vụ chiếm tới 80% GDP vẫn tập trung lượng lớn nguồn lực vào nông nghiệp? Trên thực tế, trong khi các quốc gia khác tăng cường phát triển công nghệ cho các ngành sản xuất, dịch vụ thì Đan Mạch lại hướng tới các kỹ thuật nông nghiệp.

Quốc gia nhỏ bé 5,6 triệu dân này đang sở hữu ngành nông nghiệp đến Trung Quốc cũng phải học hỏi - Ảnh 1.

Hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng sạch

Hiện nay, nông nghiệp chỉ chiếm 2,5% tổng lao động Đan Mạch nhưng 63% diện tích bề mặt của nước này là dùng cho nông nghiệp, mức cao nhất thế giới năm 2017. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do nông dân Đan Mạch ứng dụng tốt công nghệ khoa học, qua đó giảm được nhân lực cần sử dụng dù vẫn duy trì năng suất.

Thậm chí, để trở thành một nông dân hợp cách tại Đan Mạch, bạn sẽ phải tốn thời gian 4,5 năm để học hỏi các kỹ năng, công nghệ cũng như thực hành ở những trang trại tư nhân trước khi được cấp phép hành nghề.

Tại Đan Mạch, các nhà khởi nghiệp tìm thấy tương lai phát triển trong thịt và sữa, hàng loạt những kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất và ứng dụng cho nông nghiệp được ra đời. Không riêng gì các startup, những tập đoàn lớn nơi đây cũng đầu tư mạnh cho nông nghiệp như Danish Crown, Arla, Rose Poultry…

Ngoài ra, chính phủ cũng tạo điều kiện rộng rãi cho các doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp tự do đầu tư phát triển nông nghiệp. Hàng loạt các startup mọc lên để phát triển các lĩnh vực như LetFarm kinh doanh trồng trọt, Bovisoft phát triển ngành chăn nuôi ngựa trong khi AgroSoft thiên về chăn nuôi lợn, còn Webstach lại hướng sang ngũ cốc…

Đan Mạch cũng cho xây dựng hàng loạt trung tâm nghiên cứu như Viện nghiên cứu chăn nuôi bò Đan Mạch (DCRC) hay Trung tâm tri thức nông nghiệp (KCA). Tại các trường đại học nơi đây, ngành nông nghiệp, chăn nuôi luôn được đánh giá có chất lượng cao và được nhiều sinh viên theo học. Ví dụ như tại trường đại học kỹ thuật Đan Mạch (DTU), khoảng 1.500 giáo viên và học sinh đang thực hiện các dự án nghiên cứu phục vụ chương trình giảng dạy nông nghiệp.

Ngay từ cuối thế kỷ 19, những người nông dân Đan Mạch đã biết liên kết với nhau để tăng năng suất cũng như marketing cho sản phẩm vùng của họ. Cơ chế này tiếp tục được nở rộ trong thời kỳ hiện nay, có khác chăng là các trung tâm nghiên cứu, chính phủ và nhiều nhà đầu tư cũng hào hứng tham gia vào mô hình này.

Ví dụ như DCRC, trung tâm này đã phát triển được những công nghệ tiên tiến vượt bậc với các robot có khả năng tự động vắt sữa bò, tắm và thậm chí là loại bỏ các loài bọ gây bệnh trên người súc vật. Những hũ sữa mới vắt thậm chí sẽ được các con robot này thử nghiệm ngay tại trạng trại để đánh giá sức khỏe đàn bò. Trong khi đó hệ thống giám sát sẽ ghi lại những biểu hiện của các con bò nhằm phân tích, đánh giá tình hình sức khỏe từng con.

Không chịu kém cạnh, các tập đoàn nông nghiệp lớn cũng chi hàng tỷ USD để phát triển những kỹ thuật mới. Hãng Arla đã chi 36 triệu USD cho Argo Food Park, một tổ hợp chế biến thực phẩm. Hãng Dupont thì cho xây dựng hẳn cả một hệ thống nghiên cứu nông nghiệp toàn cầu, trải dài từ Mỹ, Australia đến Trung Quốc.

Quốc gia nhỏ bé 5,6 triệu dân này đang sở hữu ngành nông nghiệp đến Trung Quốc cũng phải học hỏi - Ảnh 2.

Số lượng sao Michelin cho những nhà hàng ở thủ đô Copenhagen-Đan Mạch trong khoảng 1983-2014

Thậm chí những cách kinh doanh mới hiện nay cũng được các công ty Đan Mạch xem xét ứng dụng. Nhiều doanh nghiệp đã cộng tác với các startup, hội chợ ẩm thực và đầu bếp để phát triển sản phẩm thay vì lựa chọn không có phương hướng như trước.

Với sự đầu tư có hệ thống như vậy, Đan Mạch đang dần trở thành một cường quốc nông nghiệp tại Châu Âu và trên thế giới. Những từ ngữ như "các nhà máy nông trại" dần trở nên phổ biến tại đây trong khi những trang tin về chính trị cũng bắt đầu có chuyên mục riêng cho người nông dân.

Thậm chí, biểu tượng của ẩm thực sạch, chất lượng còn được thể hiện qua số sao Michelin mà các nhà hàng Đan Mạch nhận được tăng qua từng năm.

Hiện Châu Âu tiêu thụ tới 60% nông sản xuất khẩu của Đan Mạch nhưng nước này lại bắt đầu mở rộng thị trường sang các nền kinh tế đang phát triển, vốn có nhu cầu cao về lương thực, đặc biệt là thực phẩm sạch.

Trước sự thành công của ngành nông nghiệp Đan Mạch, đặc biệt là mảng nông sản sạch chất lượng cao, nhiều nước như Trung Quốc đã phải lấy làm hình mẫu học tập.

Dẫu vậy, Đan Mạch cũng đang gặp khá nhiều thử thách do nông nghiệp là một ngành đòi hỏi các yếu tố về đất đai, khí hậu, nguồn nước… Đặc biệt nếu quản lý không tốt, các trang trại có thể tàn phá môi trường như những gì đang diễn ra ở New Zealand.

Bất chấp điều đó, nhu cầu lương thực sẽ còn tăng trên toàn cầu là điều không thể chối cãi. Ước tính của chính phủ Đan Mạch cho thấy nhu cầu thực phẩm toàn cầu sẽ tăng 60% vào năm 2030, qua đó đem lại nguồn lợi lớn cho nông nghiệp nước này.

AB

Cùng chuyên mục
XEM