Bực mấy thì bực, làm những điều này khi giận dữ chỉ "đổ thêm dầu vào lửa" mà thôi
Những điều tưởng chừng sẽ giúp bạn nguôi giận thực chất lại như đang "đổ thêm dầu vào lửa", khi gặp tình huống nóng giận, điều nên làm là giữ được bình tĩnh và xử lý mọi thứ theo hướng êm đẹp.
Tham dự vào một cuộc tranh cãi nảy lửa không chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ mà còn làm giảm khả năng làm những việc hàng ngày bạn vẫn làm – chẳng hạn như lái xe – theo nhiều cách có thể gây nguy hiểm cho bạn và những người xung quanh.
Dưới đây, các chuyên gia sẽ đưa ra những điều bạn không nên làm khi đang giận dữ, cùng với gợi ý để lấy lại sự bình tĩnh.
Không nên đi ngủ
Đi ngủ khi vẫn còn giận dữ có thể tăng cường hoặc “duy trì” những cảm xúc tiêu cực. Đây là kết luận rút ra từ một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Neuroscience, trong đó cho biết giấc ngủ sẽ củng cố các ký ức, đặc biệt là những ký ức đầy cảm xúc. Vì thế đi ngủ ngay sau khi cãi cọ chắc chắn sẽ khiến trải nghiệm đó được củng cố hơn so với cố gắng tỉnh táo trong 8 giờ liền sau đó.
Không nên lái xe
Tham gia giao thông khi bạn đang giận dữ là một hành động rất nguy hiểm.
Nghiên cứu cho thấy những lái xe đang giận dữ tỏ ra liều lĩnh hơn và gặp nhiều tai nạn hơn. Tiến sĩ David Narang, một nhà tâm lý học lâm sàng, cho biêt: “Khi bạn giận dữ, bạn sẽ có tâm lý thích gây hấn, vì thế lúc đó lái xe sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra cơn giận khiến một người không có cái nhìn toàn diện – bạn chỉ nhìn thẳng và có thể không chú ý đến người đi bộ hoặc một chiếc xe khác đang tiến đến gần”.
Không nên tìm chỗ trút giận
Giải tỏa cơn giận nghe có vẻ là một điều nên làm, nhưng thực ra nó lại khiến mọi việc tồi tệ hơn. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cyberpsychology, Behavior and Social Networking, chỉ cần dành 5 phút để đọc lời than van hoặc xả giận trên mạng của người khác cũng khiến bạn trở nên giận dữ hơn và thấy ít vui vẻ hơn.
Một nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng trút giận bằng cách đấm vào gối không những làm tăng cơn giận vào lúc đó mà còn khiến các hành vi gây hấn dễ xảy ra hơn trong tương lai.
Không nên xả giận bằng con đường ăn uống
Theo tiến sĩ Kathy Gruver, xả giận bằng đồ ăn có thể phản tác dụng theo nhiều cách. “Khi giận dữ, ta thường đưa ra những lựa chọn ăn uống có hại cho sức khỏe. Chẳng ai lại chọn ăn rau củ cả, họ toàn ăn những món ngon miệng có nhiều đường, mỡ và carbohydrate”.
Ngoài ra, cảm xúc đang dâng cao còn làm nảy sinh phản ứng chống chọi vì cơ thể nghĩ rằng mình đang gặp nguy hiểm. Trong trạng thái đó, hệ tiêu hóa sẽ nhường chỗ cho tình huống khẩn cấp trước mắt và không hoạt động tốt như bình thường, và có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón.
Không nên tiếp tục tranh luận
Vẫn tiếp tục tranh luận khi bạn đang rất khó kiểm soát cơn giận sẽ rất dễ khiến bạn nói những điều mà sau này phải hối tiếc. Tiến sĩ Christine M. Allen từ Syracuse, New York cho biết: “Nếu thấy nhiều khả năng bạn sẽ nói những điều lẽ ra không nên nói, hãy ngừng cuộc nói chuyện lại một lúc trước khi tiếp tục tranh luận”. Khoảng thời gian này có thể là 10 phút hoặc 10 ngày. Hãy dùng thời gian này để bình tĩnh lại, nhờ thế bạn có thể nói ra những gì mình nghĩ theo một cách nào đó nhã nhặn và có chủ ý hơn.
Không nên phơi bày về cơn giận của mình trên Facebook
Khi bạn giận dữ, hành động thể hiện cảm xúc của mình cho bạn bè và người thân trên Facebook cũng như các mạng xã hội khác chắc chắn sẽ quay lại ám ảnh bạn sau này. Theo Narang, “Viết một cái gì đó công khai trên mạng là một hành động không thể rút lại được”.
Không nên viết email
Điều tương tự cũng diễn ra khi gửi một email đầy giận dữ - bạn không thể rút lại những lời nói gay gắt sau khi đã nhấn nút “Send”. Nếu không thể ngăn được mình trút giận vào những con chữ, tốt nhất hãy viết những lời đó ra Word, rồi lưu lại thành một file văn bản.
Không nên uống rượu
Tìm đến rượu để bình tĩnh lại thường phản tác dụng. Theo Narang, “Rượu khiến bạn nhiều khả năng sẽ tìm cách trút giận vì nó làm bạn mất khả năng kiểm soát những cơn bốc đồng. Điều này có thể dẫn đến hậu quả lâu dài hơn vì những hành động bạn sẽ phải hối tiếc sau này, tất cả chỉ bởi một cơn nóng giận nhất thời”.