BS Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khuyến cáo: 2 nhóm người không nên tiêm vắc xin Covid-19 Moderna

05/08/2021 13:26 PM | Sống

Theo ThS BS. Nguyễn Hiền Minh, Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vắc xin Covid-19 Moderna hiện nay được cấp phép để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên không có các chống chỉ định.

2 đối tượng sau không nên tiêm vắc xin Moderna

Bác sĩ Minh cho hay, tất cả những người được chỉ định tiêm vắc xin Moderna cần tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 28 ngày. Không chỉ định liều thứ 2 của vắc xin sớm hơn khoảng thời gian khuyến cáo.

Nếu không thể tuân theo khoảng thời gian khuyến cáo, liều thứ hai của vắc xin Moderna có thể cách đến 6 tuần (42 ngày) sau liều đầu tiên. Tuy nhiên nếu liều thứ hai được tiêm sau thời gian này thì cũng không cần tiêm vắc xin lại từ đầu.

Bác sĩ Minh khuyến cáo, 2 đối tượng không nên tiêm vắc xin Moderna bao gồm:

Người có phản ứng phản vệ nghiêm trọng hoặc phản ứng dị ứng tức thì (nghĩa là phản ứng trong vòng 4 giờ sau khi tiêm) với mức độ nghiêm trọng bất kỳ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 trước đó hoặc với những thành phần của vắc xin Moderna.

Polyethylene glycol (PEG) là một thành phần trong vắc xin Moderna. Người có tiền sử dị ứng PEG chống chỉ định tiêm vắc xin Moderna. PEG có trong một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc nhuận tràng và các chế phẩm để thực hiện thủ thuật nội soi đại tràng. PEG cũng được sử dụng nhiều công nghệ thực phẩm (phụ gia thực phẩm) cũng như trong mỹ phẩm, chất làm sạch.

BS Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khuyến cáo: 2 nhóm người không nên tiêm vắc xin Covid-19 Moderna - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tư vấn tiêm vắc xin cho người dân.

Trước thông tin, hai mũi tiêm vắc xin Covid-19 của Moderna và Pfizer có thể chuyển đổi cho nhau sẽ có hiệu quả phòng bệnh, bác sĩ Minh cho biết, hiện nay không có đủ dữ liệu nghiên cứu về tính an toàn và đánh giá hiệu lực vắc xin khi thay thế qua lại giữa vắc xin Moderna với vắc xin Pfizer trong liệu trình tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 mRNA. Nếu đã được tiêm một liều Moderna thì khuyến cáo liều tiêm thứ hai vẫn nên là Moderna để hoàn thành lịch tiêm chủng.

Nếu người được tiêm chủng đã tiêm liều đầu tiên của vắc xin Covid-19 mRNA (Moderna hoặc Pfizer) nhưng vì lý do chống chỉ định nào đó mà không thể hoàn thành lịch tiêm vắc xin mũi 2, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định một liều duy nhất của vắc xin Janssen, với thời gian cách nhau tối thiểu 28 ngày.

Bác sĩ Minh cũng cho biết thêm: "Về việc tiêm thêm 1 mũi vắc xin Moderna, hiện nay, không có khuyến cáo chính thức nào từ WHO, CDC Hoa Kỳ về việc tiêm thêm một mũi nhắc (booster) sau khi hoàn tất đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Việc theo dõi hiệu lực bảo vệ kéo dài của vắc xin cho thấy thời gian bảo vệ lên đến 6 – 12 tháng.

Thực tế cho thấy những trường hợp bệnh Covid-19 nặng nhập viện và tử vong do đều là những người chưa được tiêm vắc xin. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 và nguồn lực vắc xin còn nhiều hạn chế trên thế giới, vắc xin hiện nay vẫn được chỉ định với lịch tiêm tiêu chuẩn".

Những phản ứng có thể gặp sau tiêm vắc xin Covid-19 Moderna

Bác sĩ Minh cho hay, những triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau tiêm vắc xin, kéo dài 1-3 ngày. Tuy nhiên có những triệu chứng có thể xuất hiện muộn (2-4 ngày sau tiêm) và kéo dài hơn (trên 3 ngày) với các mức độ:

Rất phổ biến, với tỉ lệ xuất hiện biến cố bất lợi sau tiêm là ≥1/10, nghĩa là cứ khoảng 10 người được tiêm vắc xin thì có trên 1 người xuất hiện những triệu chứng này: Nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp và cứng khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, nổi hạch, sưng đỏ vị trí tiêm.

Phổ biến (≥1/100 đến <1/10): Phát ban, mẩn đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, nôn, tiêu chảy

Không phổ biến (≥1/1000 đến ˂1/100): Ngứa chỗ tiêm

Hiếm (≥1/10000 đến ˂1/1000): Sưng mặt, liệt mặt ngoại biên cấp tính (Bell's palsy) có thể xảy ra ở những người đã tiêm chất làm đầy fillers trên mặt.

Rất hiếm gặp: viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim với tỉ lệ 0,84 và 0,95/triệu.

Sáng ngày 5/8, Bộ Y tế thông báo trong ngày có 263.272 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 7.553.318 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.774.332 liều, tiêm mũi 2 là 778.986 liều.

Hiện Việt Nam có 6 loại vắc xin phòng Covid-19 được cấp phép khẩn cấp: vắc xin AstraZeneca, vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), vắc xin Vero Cell của Sinopharm, vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech, vắc xin Spikevax (Tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna), vắc xin Janssen.

MỜI ĐỘC GIẢ GỬI CÂU HỎI CHO CHƯƠNG TRÌNH TOẠ ĐÀM TRỰC TUYẾN

Để giúp người dân trang bị những kiến thức phòng tránh bệnh Covid-19 khi đang ở giữa vùng dịch, Soha.vn tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Hỏi đáp với Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Sống trong vùng dịch, làm thế nào để không mắc bệnh?" vào lúc 14h30 thứ 5 ngày 05/08/2021 trên fanpage SOHA.VN .

Khách mời: BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh.

Quý độc giả có câu hỏi về chủ đề trên, xin gửi câu hỏi TẠI ĐÂY hoặc theo dõi chương trình để gửi câu hỏi trực tiếp dưới phần bình luận.

Chuyên gia chỉ cách phân biệt: Ung thư vòm họng với viêm họng, viêm amidan

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM