Brexit: 'Vết nứt' của toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân túy lên ngôi?
Hãng tin Wall Street Journal cho rằng những cuộc bỏ phiếu trong tương lai sẽ chứng kiến sự bành trướng của chính sách dân tộc, dân túy hơn là quan điểm tự do thương mại và toàn cầu hóa. Những cú sốc từ Brexit sẽ mau lành nhưng chắc chắn đây không phải là chiến thắng cuối cùng của chủ nghĩa dân túy.
Chiến thắng của Brexit mới đây đã phủ một bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, nhưng ảnh hưởng của nó sâu đến đâu thì lại phụ thuộc vào nền chính trị của mỗi quốc gia hơn là kinh tế.
Nguyên nhân chính của chiến thắng Brexit là do chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng đến cử tri hơn là những số liệu về kinh tế. Theo đó, những người theo chủ nghĩa dân túy thường ít cở mở, chậm đổi mới và khó dự đoán hơn.
Nếu nước Anh đi theo con đường này, chắc chắn nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi những quan điểm tiêu cực của chủ nghĩa dân túy.
Sau kết quả chiến thắng của Brexit, thị trường chứng khoán toàn cầu và đồng Bảng Anh chao đảo, nhưng sự biến động này là do tâm lý nhà đầu tư chứ không phải tác động trực tiếp từ kinh tế.
Tất cả chỉ là dự đoán
Những lo lắng của nhà đầu tư hiện nay tương tự như thời kỳ hãng Lehman Brothers phá sản hay nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp lên cao. Hàng loạt những dự đoán khủng hoảng tài chính được đưa ra nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn đứng vững.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) luôn sẵn sàng cho các ngân hàng thương mại vay nếu họ thiếu tiền mặt trong trường hợp nhà đầu tư ổ ạt rút vốn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh đi xuống chứ không đi lên và điều này chứng tỏ nhu cầu mua trái phiếu Anh vẫn mạnh. Thêm vào đó, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các dòng vốn nước ngoài đang đột ngột rút khỏi Anh.
Rõ ràng, sự suy giảm của thị trường chứng khoán là do tâm lý lo sợ của nhà đầu tư chứ chưa có dấu hiệu nào chứng minh kinh tế thế giới sẽ lại suy thoái một lần nữa. Tất cả những thông tin hiện nay mới chỉ là giả thuyết.
Nói cách khác, sự mờ mịt về tương lai của nước Anh cũng như những ảnh hưởng đến kinh tế có thể xảy ra là nguyên nhân chính thúc đẩy đà bán tháo trên toàn cầu.
Các chuyên gia kinh tế “DỰ ĐOÁN” GDP của Anh sẽ giảm 1-6% trong các kịch bản từ mức tích cực nhất cho đến xấu nhất là suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng “DỰ ĐOÁN” tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngoài EU sẽ bị ảnh hưởng 0,2 điểm phần trăm sau Brexit.
Dẫu vậy, tất cả những suy luận trên chỉ mang tính lý thuyết và dự báo hơn là thực tế và kết quả có lẽ sẽ rất khác trong tương lai. Mặc dù vậy, chiến thắng của Brexit đã chứng minh được 2 bước ngoặt quan trọng trên thế giới hiện nay, đó là sự bành trướng của chủ nghĩa dân túy và đà suy giảm của toàn cầu hóa.
Dấu chấm hết cho toàn cầu hóa?
Quá trình toàn cầu hóa đã chậm lại kể từ năm 2008 khi các thị trường tài chính hầu như bị ảnh hưởng nặng sau khủng hoảng. Vòng đàm phán Doha về xóa bỏ rào cản thương mại sụp đổ cũng góp phần khiến quá trình này giảm tốc.
Tiếp sau đó, những rủi ro nợ công và vỡ nợ tại các nước thành viên EU khiến kinh tế khu vực này chịu thiệt hại nặng và vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn.
Những yếu tố trên đi kèm với tốc độ tăng trưởng chậm, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng và nhiều yếu tố khác đã thúc đẩy những chính trị gia có quan điểm dân túy lên ngôi. Số liệu của Morgan Stanley Investment Management cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri tại 20 nền dân chủ lớn nhất thế giới đã giảm liên tục kể từ năm 2010.
Tồi tệ hơn, xu hướng khủng bố và ảnh hưởng của Tổ chức Hồi giáo IS ngày càng khiến người dân các nước phản đối người nhập cư, qua đó gia tăng chủ nghĩa dân túy tại Châu Âu cũng như Mỹ.
Chiến thắng của Brexit trong tuần trước đã đánh dấu việc lần đầu tiên một nền kinh tế tiên tiến thời hậu Thế Chiến II rút khỏi một khu vực tự do thương mại chứ không phải chuyển sang gia nhập một tổ chức khác tốt hơn.
Việc Anh bỏ phiếu rời EU sẽ đẩy nhanh quá trình trỗi dậy của quan điểm chính trị dân túy, phản đối tự do thương mại tại các nước Châu Âu cũng như trên thế giới. Điều này đã được chứng minh qua sự sụp đổ của các nước chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu vào cuối thập niên 80, sự trỗi dậy của cánh tả tại Mỹ Latinh thập niên 2000 và cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập năm 2010.
Tất cả những biến động địa chính trị trên đều bắt nguồn từ một nước hay một sự kiện và châm ngòi cho một xu thế biến đổi lớn trong khu vực cũng như trên toàn cầu.
Kết quả chiến thắng của Brexit đã châm ngòi cho phe cánh hữu dân túy tại Hà Lan hay Pháp kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý, qua đó đe dọa sự ổn định của EU cũng như khu vực Eurozone.
Trong chuyến thăm Scotland mới đây, Ứng cử viên tổng thống Donald Trump đã phát biểu rằng mọi người đang muốn giành lại quyền kiểm soát đất nước, một quan điểm chống lại tự do thương mại và toàn cầu hóa.
Sẽ còn nhiều Brexit nữa
Bên cạnh đó, Brexit cũng cho thấy những ảnh hưởng ngày càng nhỏ của các yếu tố kinh tế trong cộng đồng cư dân. Tại Anh, nỗi lo sợ bị cô lập về kinh tế và nghèo đi không lớn bằng nỗi lo bị mất truyền thống, xã hội bị đảo lộn, văn hóa bị ảnh hưởng và an ninh đi xuống. Hậu quả là người dân Anh bỏ phiếu cho Brexit nhiều hơn.
Những yếu tố về kinh tế là một trong những động lực khiến con người có hành động đúng với dự đoán trong các cuộc trưng cầu dân ý. Điều này lý giải tại sao Scotland bỏ phiếu ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh năm 2014 sau nhiều năm muốn tách ra, bởi họ cần dựa vào kinh tế Anh. Điều này cũng lý giải tại sao Hy Lạp bỏ phiếu chấp nhận chịu các chính sách thắt lưng buộc bụng của Châu Âu dù không thích, bởi nền kinh tế của họ sẽ gặp khó nếu rời nhóm.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 vừa qua đã cho thấy điều ngược lại. Những số liệu và các nhận dịnh của nhiều chuyên gia uy tín không thuyết phục được cử tri Anh rằng họ sẽ thiệt nếu rời EU. Người dân Anh vẫn cho rằng họ bị mất chủ quyền vào tay Hội đồng liên minh Châu Âu và muốn lấy lại quyền quyết định đó.
Làn sóng nhập cư đổ vào nước này đã làm lu mờ những lợi ích kinh tế mà lao động nước ngoài đem lại cũng như những lợi thế của quá trình toàn cầu hóa.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, tỷ phú Trump hoan nghênh quyết định Brexit và thậm chí kêu gọi Mỹ ngừng quá trình toàn cầu hóa.
“Toàn cầu hóa đang hủy diệt tầng lớp trung lưu cũng như cướp đi việc làm của chúng ta. Đất nước của chúng ta sẽ tuyệt vời hơn nếu có thể tự sản xuất sản phẩm một lần nữa và đưa các nhà máy quay trở lại đây”, ông Trump nói.
Ứng cử viên Trump cam kết những laio động nhập cư giá rẻ tại Mỹ sẽ bị đuổi về nước và các nhà máy sẽ bị buộc đưa trở lại nước Mỹ.
Những quan điểm ngược đời này của ông Trump hầu như không dựa trên lý luận hợp lý về kinh tế. Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các ngành sản xuất đang giảm nhân công nhưng vẫn tăng năng suất. Lực lượng lao động thì đang có xu thế chuyển dần sang ngành dịch vụ chứ không bị mất việc.
Trong khi đó, quyết định tăng rào cản thương mại với Trung Quốc và Mexico chỉ khiến người dân Mỹ nghèo hơn chứ chẳng giàu có gì. Nghiên cứu mới đây của Moody’s cho thấy nếu ông Trump đắc cử và thực hiện những chính sách đã tuyên bố thì nước Mỹ sẽ mất 3,4 triệu việc làm trong 4 năm tới.
Dẫu vậy, chiến thắng của Brexit cho thấy các giới hạn về cảnh báo thảm họa kinh tế trong bầu cử hay bỏ phiếu, đặc biệt là đối với tầng lớp người già hay những người ít được đào tạo, vốn là nhóm người hưởng lợi ít nhất từ toàn cầu hóa.
Hãng tin Wall Street Journal cho rằng những cuộc bỏ phiếu trong tương lai sẽ chứng kiến sự bành trướng của chính sách dân tộc, dân túy hơn là quan điểm tự do thương mại và toàn cầu hóa. Những cú sốc từ Brexit sẽ mau lành nhưng chắc chắn đây không phải là chiến thắng cuối cùng của chủ nghĩa dân túy.