"Bóng ma" bảo hộ bao trùm khiến các nhà đầu tư vào Việt Nam lo lắng điều gì?

05/12/2018 09:00 AM | Xã hội

"Hoa Kỳ nhập siêu hơn 32 tỷ USD từ Việt Nam năm 2017, đứng thứ 5 trong các đối tác nhập khẩu của Mỹ, khiến Việt Nam có thể bị đưa vào dạng các nước theo dõi", TS. Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính nói và cho biết nếu bị áp đặt biện pháp trả đũa, Việt Nam sẽ bị thiệt hại lớn.

Tại sao chủ nghĩa bảo hộ quay lại? 

Bảo hộ thương mại là một chủ đề lớn được đặt ra tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018, hôm 4/12.

TS. Deepak Mishra, Giám đốc Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư (World Bank), nhận định hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập kỷ gần đây có tác động tích cực rõ ràng đến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Tuy nhiên có thể những thành quả của hội nhập thương mại đã không được chia sẻ một cách đồng đều trên toàn cầu, dẫn đến thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở một số ngành tại các quốc gia.

"Đây là một yếu tố góp phần vào việc hình thành ý kiến tiêu cực đối với lợi ích thương mại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, dẫn đến sự bất ổn chính sách. Trong tình hình đó Việt Nam nên kiên định hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu", ông nói.

Quan điểm của TS. Deepak Mishra nhận được sự đồng tình của TS. Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore). Cụ thể, ông Khương cho rằng chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại bắt nguồn từ việc thiếu công bằng trong chia sẻ lợi ích của toàn cầu hoá.

"Sự quay trở lại của chủ ngĩa bảo hộ còn do các thiết chế quản trị thương mại toàn cầu được thiết lập từ sau Thế chiến thứ Hai xuất hiện nhưng lỗ hổng không còn đáp ứng được thực tiễn toàn cầu hóa, cần được điều chỉnh và hoàn thiện", ông Khương phân tích.

Việt Nam trước bóng đen bảo hộ 

Chủ nghĩa bảo hộ có tác động tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu, theo TS. Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính.

Theo ông, các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương tới tất cả thành phần xã hội, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn. Các biện pháp này không chỉ khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ và sự lựa chọn bị hạn chế, mà còn ngăn cản thương mại đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy năng suất và phân bổ các công nghệ mới.

Phân tích tác động của chủ nghĩa bảo hộ với Việt Nam, ông Thuận cho biết thứ nhất hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị giảm sút với chính sách hướng về nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, khả năng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mở rộng ra toàn thế giới.

Trong đó, ông lưu ý đến việc Mỹ đang nhập siêu hơn 32 tỷ USD hàng hoá từ Việt Nam. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 5 trong số các đối tác nhập khẩu của Mỹ. Do đó, Việt Nam có thể bị đưa vào dạng các nước theo dõi và có các chính sách thuế quan, phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong trường hợp nếu có các xung đột leo thang và xảy ra tranh chấp thương mại dẫn tới việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp thuế quan đối với Việt Nam, thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn. Quy mô xuất khẩu sang Mỹ là hơn 40 tỷ USD mỗi năm, chiếm tỷ trọng gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ bị suy giảm thậm chí chảy ra ngoài Việt Nam.

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2018, vốn FDI thực hiện vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, ước đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017, là mức kỷ lục 10 năm. Nhưng với việc Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ quay về đầu tư trong nước thông qua việc giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp có thể sẽ thúc đẩy các tập đoàn lớn rút vốn khỏi Việt Nam hoặc xem xét lại kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, do đó sẽ tác động đến khả năng tiếp cận vốn, công nghệ hiện đại của Việt Nam.

Thứ ba, dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ sụt giảm mạnh và thị trường tài chính sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Dẫn số liệu, ông Thuận cho biết từ 6 - 27/7/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng trên cả hai sở giao dịch với tổng giá trị gần 1.669 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ giá VND/USD liên tục tăng, đặc biệt là trong tháng 7 và tháng 8/2018. Tính tới 6/8/2018, tỷ giá trung tâm được giữ ở mức 22.676 VND/USD, tăng 0,17% so với thời điểm 6/7/2018. Tỷ giá bình quân ngân hàng thương mại và tỷ giá trên thị trường tự do đều tăng mạnh so với các tháng trước đó.

Xu hướng đồng USD lên giá sẽ gây sức ép dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy khỏi thị trường các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, gây sức ép đến điều hành tỷ giá, dự trữ ngoại hối và nợ công, đặc biệt trong bối cảnh nợ công đang chạm trần và phần lớn các khoản nợ của Việt Nam là bằng đồng USD. Do đó các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn khỏi những thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam bởi lo ngại về đồng tiền mất giá.

Nhưng dù bối cảnh thế giới nói chung không thuận lợi với bóng ma chủ nghĩa bảo hộ, Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Ông nhận định rõ việc hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động từ những xu thế và diễn biến từ kinh tế thế giới và khu vực.

"Cần coi đây là vấn đề mang tính khách quan để có cách ứng phó chủ động và linh hoạt. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, trên cả phương diện tích cực và tiêu cực để từ đó đưa những phương án xử lý hợp lý, phù hợp với tình hình trong nước nói riêng và cục diện kinh tế thế giới nói chung", Phó Thủ tướng nói và cho biết hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới cần đảm bảo 4 yếu tố: Chủ động, Đổi mới, Thiết thực và Hiệu quả.

Theo Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM