"Bông hoa Hướng Dương" trị giá 8,8 tỷ USD chuẩn bị được NASA phóng lên vũ trụ

04/03/2021 16:00 PM | Công nghệ

Kính Thiên văn James Webb này sẽ trở thành người kế nhiệm cho kính Thiên Văn Hubble trong tương lai.

"Người kế nhiệm Hubble" sắp lên đường. Dự án kính Thiên Văn James Webb được nêu ra từ 30 năm trước và sau nhiều lần trì hoãn giờ đã có ngày khởi hành chính thức vào 31 tháng 10 năm 2021.

Ban đầu chiếc kính Thiên văn khổng lồ này dự định được phóng lên vào ngày 31 tháng Ba năm 2021, nhưng sau đó bị hủy bỏ vì đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến khả năng chuẩn bị. Mặc dù vậy, các bài kiểm tra chức năng cuối cùng đã hoàn tất ở nhà máy Northrop Grumman, California. Khi được phóng ra ngoài vũ trụ và hoàn tất việc lắp ghép, kính thiên văn này sẽ mở ra thành hình một bông hoa khổng lồ để các nhà khoa học có thể ngắm nhìn vũ trụ.

Bông hoa Hướng Dương trị giá 8,8 tỷ USD chuẩn bị được NASA phóng lên vũ trụ - Ảnh 1.

So sánh kích thước giữa kính Hubble và kính James Webb

Trong khi kính Thiên văn Hubble là một tấm gương tròn đường kính 2,4m thì James Webb là 18 tấm gương hình lục giác được ghép lại với nhau, với đường kính chính tới 6,5m. Các tấm gương này được đặt trong một cấu trúc origami sẽ mở ra khi đi tới vị trí đã định trong không gian.

Để đến được đó, James Webb sẽ phải trải qua chuyến du hành 1,5 triệu kilomet để đến vị trí L2 hay điểm Lagrange Point thứ hai – nơi nó sẽ nằm ở một vị trí cố định tương quan giữa Mặt Trời và Trái Đất. Khoảng cách này còn xa hơn 4 lần so với từ Trái Đất đến Mặt Trăng.

Bông hoa Hướng Dương trị giá 8,8 tỷ USD chuẩn bị được NASA phóng lên vũ trụ - Ảnh 2.

Được thiết kế và tài trợ bởi NASA, cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu ESA và Cơ quan Không gian Canada CSA, James Webb là dự án kính thiên văn khoa học không gian phức tạp nhất, đắt đỏ nhất từng được triển khai đến nay.

Bông hoa Hướng Dương trị giá 8,8 tỷ USD chuẩn bị được NASA phóng lên vũ trụ - Ảnh 3.

So với Hubble, ưu điểm lớn nhất của James Webb là khả năng phát hiện các tín hiệu ánh sáng hồng ngoại yếu. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng nhìn ngược được xa nhất vào lịch sử thời gian của vũ trụ và hy vọng có thể giúp giải quyết được những bí ẩn trong hệ Mặt trời, nghiên cứu các hành tinh bên ngoài hệ và thăm dò cấu trúc, nguồn gốc của Vũ trụ.

Cho đến giờ, những bài kiểm tra gần đây xác nhận rằng các thiết bị điện tử bên trong James Webb vẫn hoạt động chính xác và 4 công cụ khoa học đều có thể gửi và nhận dữ liệu trên cùng hệ thống mạng họ sẽ sử dụng ngoài không gian.

Sau khi hoàn tất các bài kiểm tra cuối cùng, Webb sẽ lên đường đi tới Nam Mỹ để chuẩn bị cho lần phóng vào tháng 10 tới đây. Đó là lúc các nhà khoa học cùng đội ngũ tham gia dự án sẽ phải nín thở khi giấc mơ 8,8 tỷ USD của họ được đặt trên 500 tấn nhiên liệu đẩy để phóng vào không gian.

Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM