Lần đầu tiên các nhà khoa học giao tiếp được với người đang mơ bằng lời nói và mã Morse
Nó giống như nói chuyện với phi hành gia trong không gian.
Khi con người đã đặt chân được xuống Mặt Trăng, gửi robot lên Sao Hỏa và đưa tàu thăm dò ra bên ngoài Hệ Mặt Trời, có một vùng đất hoang dã mà họ vẫn chưa chinh phục được. Đó là những giấc mơ.
Từ hàng trăm năm qua, nhiều thế hệ nhà khoa học đã cảm thấy tò mò về giấc mơ của con người, trong đó, não bộ dường như đã vẽ ra một thế giới ảo giác mà mọi thứ đều có thể trở thành "sự thật" – hoặc chí ít bạn không thể phân biệt đó là thật hay là mơ.
Chỉ trừ một trường hợp, Lucid dream hay giấc mơ sáng suốt, được định nghĩa là những giấc mơ trong đó bạn biết rằng mình đang mơ. Người gặp Lucid dream có thể thoải mái điều khiển giấc mơ theo ý mình. Và một thí nghiệm mới của các nhà khoa học bây giờ cho thấy, họ còn có thể tương tác được với thế giới thực bên ngoài trong khi đang mơ.
Người có giấc mơ sáng suốt có thể trả lời những câu hỏi Yes/No hay thậm chí làm toán. Các bằng chứng mới ngày càng cho thấy Lucid dream chính là cánh cổng giúp chúng ta thâm nhập vào thế giới của những giấc mơ.
Lần đầu tiên giao tiếp với giấc mơ được thực hiện
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology. Trong đó, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tuyển dụng 36 tình nguyện viên tại Mỹ, Pháp, Đức và Hà Lan để tham gia thí nghiệm khởi tạo Lucid dream.
Họ được đeo trên đầu những chiếc mũ điện não đồ EEG trước khi ngủ. Đồng thời được học một số giao tiếp bằng ký hiệu mắt và cử chỉ nét mặt. Các nhà khoa học cũng đặt điện cực cạnh mắt tình nguyện viên để theo dõi chuyển động mắt của họ, để xem khi nào tình nguyện viên nào rơi vào trạng thái ngủ REM (hay còn được gọi là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh) nơi những giấc mơ thường xuyên xuất hiện.
Kết quả cho thấy có 18% trong số các tình nguyện viên đã rơi vào giấc mơ Lucid và có thể trả lời các câu hỏi mà nhà khoa học đưa ra cho họ. Chẳng hạn, một tình nguyện viên 19 tuổi người Mỹ được tín hiệu điện não đồ và điện cực mắt xác nhận đang ở trong giấc ngủ REM. Khi được hỏi: "Bạn có đang mơ hay không?", anh ta đã đánh mắt từ trái sang phải – là cử chỉ đã được học trước cho câu trả lời "Yes".
Các nhà khoa học thậm chí còn hỏi anh ta một câu hỏi toán đơn giản: "Tám trừ hai bằng mấy?". Tình nguyện viên đáp lại bằng việc đánh mắt từ trái sang phải 2 lần. Để xác nhận đây không phải là chuyện trùng hợp, các nhà khoa học đã hỏi lại anh ấy một lần nữa, dưới sự chứng kiến của các nhân chứng khách quan bên ngoài cuộc nghiên cứu. Tình nguyện viên 19 tuổi tiếp tục đánh mắt từ trái sang phải hai lần.
Tình nguyện viên được theo dõi điện não đồ và gắn điện cực lên mắt.
Tất nhiên, thí nghiệm không thành công trên 100% tình nguyện viên. Có tới 60% tình nguyện viên không phản hồi lại câu hỏi của nhà nghiên cứu trong khi ngủ. 17% trong số họ đưa ra những câu trả lời bằng cử chỉ mắt và khuôn mặt ngẫu nhiên, không thể giải mã. 3% còn lại dùng đúng ký hiệu nhưng đưa ra đáp án sai cho câu trả lời.
Đối với các trường hợp đã phản hồi với câu trả lời đúng, các nhà khoa học nói rằng họ đang trải qua một hiện tượng hoàn toàn mới được gọi là "giấc mơ tương tác".
"Chúng tôi phát hiện ra rằng các cá nhân trong giấc ngủ REM có thể tương tác với người thử nghiệm và tham gia vào giao tiếp trong thời gian thực. Chúng tôi cũng chỉ ra rằng những người đang mơ này có khả năng hiểu câu hỏi, tham gia vào các nhiệm vụ đòi hỏi trí nhớ và đưa ra câu trả lời", nhà tâm lý học Ken Paller, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Northwestern cho biết.
"Qua nghiên cứu này, chúng tôi đã phát hiện ra một kênh giao tiếp tương đối chưa từng được khám phá. Nó có thể là một chiến lược mới để khám phá những giấc mơ sáng suốt".
Các giao tiếp bằng mã Morse như nói chuyện với phi hành gia vũ trụ
Trở lại với các tình nguyện viên được đánh thức dậy sau thí nghiệm, các nhà khoa học đã hỏi liệu họ có thể nhớ lại những gì đã trải qua hay không? Một số người đã nói rằng họ đang mơ và nghe thấy những tiếng nói như xem phim lồng tiếng. Số khác nói rằng câu hỏi mà họ nghe thấy từ bên ngoài giống như tiếng đài radio, nhưng phát trên toàn giấc mơ của họ.
"Tôi đang ở trong một bữa tiệc thì thấy tiếng nói của ông vọng vào từ bên ngoài giống như người dẫn truyện trong phim. Ông hỏi: "Anh có biết nói tiếng Tây Ban Nha không?". Tôi đã trả lời "Không" [bằng cách nhếch mặt lên]", một tình nguyện viên nói.
Ngoài giao tiếp bằng lời nói, các nhà khoa học còn dùng ánh sáng flash và các cử chỉ xúc giác như chạm tay vào tình nguyện viên để "nói chuyện" với họ trong khi đang ngủ. "Khi ánh điện bắt đầu nhấp nháy, tôi nhận ra ngay đó là mã Morse từ bên ngoài giấc mơ và bắt đầu tính …. _ ._ _. _ _ _ _ _ Và rồi tôi trả lời là "4" [bằng cách đánh mắt 4 lần từ trái sang phải", một tình nguyện viên khác báo cáo.
Việc giao tiếp với một người đang mơ theo đó được các nhà nghiên cứu ví như giao tiếp với phi hành gia trong không gian. Các tín hiệu dùng để truyền tin theo đó mới chỉ dừng lại ở mức đơn giản như mã Morse.
Paller và các cộng sự của mình vì vậy đang có ý định cải tiến các phương pháp giao tiếp mới trong tương lai. Nếu họ có thể chứng minh sự hiệu quả của các phương pháp giao tiếp giữa người tỉnh với người mơ, các giấc mơ tương tác này có thể được sử dụng với rất nhiều mục đích.
Trị liệu tâm lý trong mơ là một trong số đó, nơi bệnh nhân có thể mô tả chính xác những chấn thương tâm lý mà họ gặp phải cho bác sĩ, và bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên ngay khi họ đang phải đối mặt với cơn ác mộng của mình.
Các cỗ máy mơ như trong Inception cũng có thể trở thành hiện thực, nơi quân đội thực sự có thể tạo ra những giấc mơ giúp huấn luyện binh sĩ của mình.
"Rất nhiều ứng dụng thực tế khác nhau có thể được mở ra từ kênh giao tiếp này. Nó là một chiến lược mới cho phép chúng ta khám phá và thử nghiệm những giấc mơ", các tác giả nghiên cứu viết.