Bong bóng công nghệ tiếp theo có thể sắp vỡ tung

30/01/2019 08:49 AM | Kinh doanh

Số vốn mà các công ty start-up như Uber huy động được đã là quá lớn và không rõ rằng liệu mức định giá hiện tại cả họ có được duy trì hay không.

Cuộc thảo luận về các start-up công nghệ tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tuần trước đã có một chút khác biệt so với thế giới thực. Một trong những điều đáng chú ý nhất là quan điểm lạc quan về công nghệ của rất nhiều nhân vật, điều này lại trái ngược hoàn toàn với những gì thị trường đang dự đoán về lĩnh vực này trong năm nay.

Tương lai của các thương vụ IPO "đình đám" sắp tới dường như khá "lung lay". Giám đốc điều hành của Uber, Dara Khosrowshahi đã có mặt tại Davos, nói về sự kiện IPO sắp tới của công ty. Tuy nhiên, cuộc thảo luận lại không mấy khả quan. Uber, cùng Lyft và một loạt các công ty công nghệ lớn, chưa niêm yết như Slack và Airbnb, có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình đi đến đợt IPO. Họ không chỉ lo ngại về suy thoái kinh tế và những biến động của thị trường, mà bởi hiện tại số vốn huy động thành công đã là quá lớn và không rõ liệu mức định giá của họ có được duy trì hay không. Ví dụ, Uber hiện đã gọi được 100 tỷ USD vốn. Các công ty này muốn nhận được tiền ngay khi mọi thứ vẫn còn thuận lợi.

Đó là tình huống tương tự với hiện tượng bong bóng dot-com vào đầu thế kỷ 21. Các "bong bóng start-up" hiện không còn tồn tại, được Tập đoàn LVHM hậu thuẫn như Boo.com và Pets.com, đã chi hàng triệu USD cho những chương trình quảng cáo hào nhoáng. Sau đó gọi vốn từ các nhà đầu tư trong các sự kiện của First Tuesday (diễn đàn của các start-up công nghệ).

Sau đó, như bây giờ, chúng ta đang ở giai đoạn cuối của một chu kỳ tín dụng, với việc theo đuổi mục tiêu về vốn là quá lớn, còn giá trị lại quá thấp. Và các nhà đầu tư đang ngóng trông vào các thương vụ IPO "hot" và lại chỉ "đổ thêm dầu vào lửa" trong bối cảnh thị trường rõ ràng đang được định giá quá cao.

Hiện tại, nền kinh tế chia sẻ có được sự thuận lợi và các thị trường mà trước đây chưa hề có. Sự khác biệt thực sự giữa quá khứ và hiện tại là ở chính thị trường vốn. Số tiền mạo hiểm đã bay hơi sau năm 2000 quay trở lại, sụp đổ thêm một lần nữa sau cuộc khủng hoảng tài chính, và lại hồi phục ở mức kỷ lục sau năm 2014. Tuy nhiên, số lượng các công ty start-up đã tăng lên, còn số lượng các thương vụ IPO lại sụt giảm. Nguyên nhân là một nghịch lý: trong khi sự phát triển của công nghệ giúp cho chi phí của việc gây dựng một công ty thấp hơn, thì việc trở nên thành công lại ngày một đắt đỏ, do cuộc chạy đua để xây dựng các công ty kỳ lân tiếp theo - công ty có vốn hoá thị trường hơn 1 tỷ USD.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng công ty kỳ lân được hậu thuẫn bởi các quỹ mạo hiểm tăng lên rất nhanh. Các công ty như Uber, Lyft, Spotify và Dropbox có thể mất đi số tiền "béo bở", nhưng vẫn được định giá ngày càng cao. Thật vậy, đó là một phần của xu hướng kinh doanh năng động mới.

Rào cản nhập ngành không cao mang đến nhiều đối thủ cạnh tranh và cuộc chạy đua về việc chi tiền càng nhiều càng tốt để giành thị phần. Không chỉ các công ty tư nhân nổi lên từ chu kỳ không sinh lời này, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng vậy. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá hàng tỷ USD không còn là điều gì quá ngạc nhiên. Năm ngoái, Sequoia đã huy động được 8 tỷ USD trong vòng tài trợ hạt giống và SoftBank với quỹ đầu tư 100 tỷ USD.

Khi ngày càng có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm "nặng ký" đưa ra mức định giá quá cao cho các công ty start-up, thì những công ty khác sẽ phải làm theo. Dẫn đến hai cái kết: phát triển nở rộ hoặc không có gì. Hậu quả ở đây không chỉ là một quả bong bóng mới trên thị trường IPO, mà là một loạt các công ty niêm yết thực sự đang lo lắng về lợi nhuận của mình. Một ví dụ cơ bản có thể thấy là sự lên ngôi của Uber đã khuấy đảo ngành công nghiệp xe taxi hoặc Airbnb là đối thủ đáng gờm của các khách sạn.

Điều này có thể có lợi đối với một số quỹ đầu tư mạo hiểm, tận dụng giá trị tăng cao của các công ty kỳ lân trong danh mục đầu tư của họ, để kiếm thêm tiền và tính thêm chi phí quản lý. Nhưng có thể tình trạng này lại không tốt đối với nền kinh tế nói chung. Việc huy động số vốn cho vay khổng lồ của các start-up này nhằm tạo ra sự độc quyền có thể mang lại lợi ích cho một số nhà đầu tư và doanh nhân, nhưng lại có thể bóp méo thị trường vốn và thị trường lao động, gây ra hành vi chống lại cạnh tranh.

Miễn là các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rằng sự phát triển của công ty là thước đo cho giá trị, thì tiền vẫn được rót vào. Tuy nhiên, các học giả của Đại học California lưu ý rằng "kỳ lân là loài thú trong huyền thoại". Năm nay, điều kiện tài chính thực tế của những chú kỳ lân này, cũng như tính bền vững của mô hình gọi vốn hiện tại, sẽ phải trải qua khoảng thời gian thử thách.

Một trong những start-up được định giá quá cao có thể cuối cùng sẽ trở thành chú mèo Cheshire trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Alice ở xứ xở kỳ diệu", xuất hiện và rồi biến mất, chỉ còn lại nụ cười của những người đã may mắn tháo chạy trước khi quả bong bóng nổ tung.

Theo Hương Giang

Từ khóa:  công nghệ
Cùng chuyên mục
XEM