Bồn cầu trong mơ: Biến chất thải thành điện và tiền số, người dùng có thể lấy tiền mua cà phê, sách, trà bánh
Mỗi lần đi "nặng" lại "ra tiền" khiến không ít người háo hức muốn sử dụng bồn cầu BeeVi.
Nếu là sinh viên của Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan (UNIST) ở Hàn Quốc, phân của bạn có thể khiến cuộc sống trở nên "dễ dàng" hơn rất nhiều!
Họ được hưởng đặc quyền sử dụng điện bền vững miễn phí nhờ BeeVi – bồn cầu xanh thông minh có khả năng biến phân người thành khí sinh học và phân bón. Bên cạnh đó, sinh viên của trường còn có thể chuyển đổi mọi hoạt động sử dụng BeeVi thành một loại tiền kỹ thuật số lưu hành nội bộ có tên là "Ggool" (nghĩa là mật ong).
Bản thân tên của chiếc bồn cầu là sự kết hợp giữa "bee" (con ong) và "vision" (tầm nhìn), vì vậy, "sản phẩm" được gọi là "mật ong" cũng là điều dễ hiểu.
Theo Mashable, BeeVi do Cho Jae-weon – giảng viên khoa Kỹ thuật môi trường của UNIST sáng tạo ra. Để tiết kiệm nước, chiếc bồn cầu sẽ hút phân qua một máy bơm chân không vào một bể chứa đặt ngầm dưới đất.
Tại đó, các vi sinh vật sẽ phân hủy chất thải thành khí metan. Khí này được chuyển hóa thành năng lượng để cung cấp cho các tòa nhà trong trường. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên sẽ được sử dụng miễn phí ga, điện và pin nhiên liệu oxit rắn.
Sinh viên UNIST có thể sử dụng số Ggool mà mình tích lũy được để trả cho một số thứ trong khuôn viên trường như một tách cà phê, mì ramyeon, hoa quả, trà bánh hay thậm chí là một cuốn sách. Mỗi người dùng BeeVi sẽ kiếm được 10 Ggool một ngày.
Ông Cho cho biết: "Nếu nghĩ rộng hơn, chúng ta sẽ thấy rằng phân có giá trị đáng kể để tạo ra năng lượng và phân bón. Và tôi đã đưa giá trị này vào tuần hoàn sinh thái thông qua BeeVi".
Thực tế là phần lớn giá trị của phân người vẫn chưa được khai thác đúng cách. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Choi giải thích rằng mỗi ngày, một người trưởng thành trung bình thải ra khoảng 500 gram phân. Lượng phân đó có thể chuyển hóa thành 50 lít khí metan. Lượng khí này có thể tạo ra khoảng 0,5 kWh điện, đủ để cung cấp năng lượng cho một chiếc ô tô điện chạy được 1,2 km hoặc đủ để một chiếc máy rửa bát chạy được một lượt ở chế độ tiết kiệm năng lượng.
Khi hàng nghìn hay thậm chí hàng chục nghìn sinh viên của một ngôi trường sử dụng bồn cầu BeeVi, lượng điện tạo ra là không hề nhỏ chút nào. Đây là phương pháp đôi bên cùng có lợi, cả trường đại học và sinh viên của họ.
Heo Hui-jin, một cựu sinh viên UNIST cho biết: "Trước đây, tôi cùng rất nhiều người nghĩ rằng phân là một thứ dơ bẩn. Nhưng bây giờ, suy nghĩ của tôi đã khác khi biết đến phát minh của thầy Cho. Chất thải của sinh viên đã trở thành ‘kho báu’ giá trị. Tôi thậm chí còn nói về phân trong các bữa ăn khi nghĩ về những cuốn sách mà mình muốn mua khi dùng Ggool".
Vài năm trước, Cho đã giới thiệu một nghiên cứu miêu tả cách ông sử dụng phân hữu cơ và nhiên liệu được tạo ra bởi phiên bản cũ của BeeVi để trồng và nấu mầm lúa mạch.
Trước BeeVi cũng có một số loại bồn cầu không dùng nước và thân thiện với môi trường được phát triển. Nổi bật nhất có lẽ là Tiger Toilet. Nó trông giống như mọi nhà vệ sinh khác nhưng được vận hành bởi một quần thể giun hổ ở phía dưới.
Tiger Toilet không cần xả nước như thông thường và cũng không kết nối với hệ thống thoát nước. Những con giun được cho vào một thùng chứa đặt bên dưới và chúng sẽ ăn chất thải. Hoạt động của những con vật này sẽ tạo ra hỗn hợp gồm nước, carbon dioxide và một lượng nhỏ phân giun (ít độc và giàu dinh dưỡng hơn phân người).
Sản phẩm phụ còn sót lại của quá trình trên có thể tạo ra loại phân bón tuyệt vời gồm nitơ, phốt pho, carbon và kali, rất tốt cho việc trồng trọt. Ngoài ra, Tiger Toilet cũng không thu hút ruồi muỗi hay các loại côn trùng có hại khác.
Nguồn: Mashable