Boeing dự báo đến năm 2028, thị trường hàng không vũ trụ và quốc phòng đạt giá trị 8,7 nghìn tỷ USD
Hãng sản xuất máy bay Boeing dự báo thị trường hàng không vũ trụ và quốc phòng sẽ tăng lên 8,7 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, riêng nhu cầu về máy bay thương mại sẽ đạt mức 3,1 nghìn tỷ USD khi các nhà khai thác thay thế các máy bay cũ bằng các mẫu máy bay tốt hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Theo Dự báo Thị trường của Boeing, nền công nghiệp hàng không dân dụng lớn mạnh, chi phí cho quốc phòng ổn định và nhu cầu dịch vụ đáp ứng xuyên suốt, trọn đời cho sản phẩm đang là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường hàng không vũ trụ và quốc phòng.
Dự báo được đưa ra vào ngày 17 tháng 6 tại Paris Air Show đã đánh giá thị trường hàng không vũ trụ và quốc phòng sẽ tăng từ mức 8,1 nghìn tỷ USD vào năm ngoái lên mức 8,7 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Dự báo Thị trường của Boeing (BMO) ước tính đến năm 2028, riêng nhu cầu về máy bay thương mại sẽ đạt mức 3,1 nghìn tỷ USD khi các nhà khai thác thay thế các máy bay cũ bằng các mẫu máy bay tốt hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn, cũng như có nhu cầu mở rộng đội máy bay nhằm đáp ứng sự tăng trưởng bền vững của ngành du lịch hàng không tại các thị trường mới nổi cũng như các thị trường đã phát triển ổn định.
Dự báo Thị trường của Boeing cũng ước tính các cơ hội đến từ lĩnh vực quốc phòng và vũ trụ sẽ mang đến 2,5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, khi các chính phủ hiện đại hóa nền tảng và hệ thống quân sự, theo đuổi các công nghệ và tiềm năng mới, cũng như đẩy mạnh quá trình thăm dò từ đại dương đến vũ trụ. Chi tiêu dự kiến - cho việc mở rộng đội máy bay quân sự, hệ thống tự trị (autonomous systems), vệ tinh, tàu vũ trụ và các sản phẩm khác - sẽ tiếp tục diễn ra trên toàn cầu với 40% chi phí dự kiến đến từ các quốc gia ngoài Hoa Kỳ.
Việc hỗ trợ các nền tảng quân sự, vũ trụ và thương mại với các giải pháp trọn đời sẽ góp phần thúc đẩy thị trường dịch vụ trị giá 3,1 nghìn tỷ USD đến năm 2028.
Ông Greg Smith, Giám đốc Tài chính và Phó Chủ tịch điều hành mảng Chiến lược và Hiệu suất Doanh nghiệp của Boeing cho biết: “Hàng không vũ trụ và quốc phòng tiếp tục là những ngành công nghiệp khỏe mạnh và sẽ phát triển tốt trong thời gian dài. Nó được thúc đẩy bởi các yếu tố nền tảng vững chắc bao gồm thương mại, quốc phòng và dịch vụ; nhu cầu đa dạng về địa lý và sự cân bằng bền vững nhất từ trước đến nay giữa quá trình thay thế và quá trình phát triển.”
Boeing hôm nay cũng tiết lộ về Dự báo Thị trường Thương mại 2019 (CMO) – một bản dự báo dài hạn, phân tích đánh giá sâu về thị trường máy bay thương mại và dịch vụ.
Bản CMO mới nhất cho thấy việc gia tăng lượng hành khách cùng với số máy bay cũ cần thay thế ngày càng nhiều sẽ khiến ngành hàng không phải cần đến 44.040 máy bay mới với tổng giá trị 6,8 nghìn tỷ USD trong hai thập kỷ tới, tăng 3% so với năm trước.
Đội máy bay thương mại toàn cầu cũng sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu về dịch vụ hàng không trị giá 9,1 nghìn tỷ USD, giúp thị trường thương mại có khả năng đạt giá trị 16 nghìn tỷ USD cho đến năm 2038.
“Suốt một thời gian dài, ngành hàng không thương mại đã cho thấy đây là một lĩnh vực cực kỳ bền vững. Tuy ngành hàng không dân dụng và chở hàng có một vài thời điểm giảm tốc trong quá trình tăng trưởng, nhưng tất cả các chỉ số đều khẳng định ngành hàng không vẫn đang duy trì khả năng sinh lợi nhuận lớn kỷ lục. Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến một thị trường ngày càng rộng hơn, sâu hơn và cân bằng hơn so với trước đây,” ông Randy Tinseth, Phó chủ tịch Phụ trách Marketing Bộ phận Máy bay thương mại của Boeing cho biết.
“Các yếu tố tạo nên một thị trường bền vững sẽ thúc đẩy số lượng máy bay thương mại phát triển gấp đôi trong hai thập kỷ tới, kéo theo một hệ sinh thái khổng lồ gồm nhiều giải pháp đi kèm để bảo trì và hỗ trợ các máy bay trong suốt thời gian khai thác”, ông Randy nói thêm.
Về những đợt giao máy bay mới, các chuyên gia dự đoán rằng 44% trong số đó sẽ thay thế những tàu bay cũ trong khi số còn lại sẽ được dùng để phát triển giao thông hàng không.
Cùng nhau, các máy bay phản lực sẽ đóng vai trò hỗ trợ giao thông hàng không khi lượng hành khách tăng trung bình 4,6% và lưu lượng hàng hóa tăng trung bình 4,2%.
Việc sản xuất máy bay mới sẽ tiếp tục được triển khai, số lượng máy bay thương mại dự kiến sẽ đạt đến 50.660 chiếc trong năm 2038. Đây là lần đầu tiên số lượng máy bay được dự kiến đạt đến con số 50.000.
Phân khúc lớn nhất thị trường vẫn thuộc về dòng máy bay thân hẹp như 737 MAX, với số máy bay mới được các nhà khai thác ước tính lên đến 32.420 chiếc. Thị trường trị giá 3,8 nghìn tỷ USD này được thúc đẩy phần nhiều bởi sự lớn mạnh không ngừng của các hãng hàng không giá rẻ, nhu cầu thay thế khỏe mạnh và sự tăng trưởng không ngừng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với phân khúc máy bay thân rộng, Boeing dự báo sẽ cần đến 8.340 máy bay chở khách mới, với tổng trị giá hơn 2,6 nghìn tỷ USD trong 20 năm tới. Nhu cầu sử dụng máy bay thân rộng trở thành nhu cầu mũi nhọn, xuất phát từ nguyên nhân có một số lượng lớn máy bay cũ cần được thay thế chỉ trong vài năm.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất loại máy bay có kích thước lớn hơn, các nhà khai thác dự kiến sẽ cần đến 1.040 máy bay vận tải hàng hóa mới loại lớn trong thời gian tới.
Đội máy bay trên toàn cầu sẽ tiếp tục tạo ra nhu cầu về dịch vụ hàng không, bao gồm hỗ trợ chuỗi cung ứng, dịch vụ bảo dưỡng và kỹ thuật, sửa chữa máy bay và khai thác hàng không. Trong 20 năm tới, Boeing dự báo thị trường dịch vụ hàng không thương mại đạt 9,1 nghìn tỷ USD với mức tăng trưởng 4,2%.
Các phân khúc lớn trong số các dịch vụ được dự báo gồm có thị trường bảo dưỡng và kỹ thuật trị giá 2,4 nghìn tỷ USD, bao gồm việc bảo dưỡng hoặc khôi phục khả năng không vận của máy bay, cùng các hệ thống, thành phần và cấu trúc của nó.
Một phân khúc lớn khác là thị trường khai thác chuyến bay trị giá 1,1 nghìn tỷ USD, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khoang lái, dịch vụ cabin, huấn luyện phi hành đoàn, khai thác và quản lý máy bay.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, sẽ tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng trong tương lai, chiếm 40% tổng số máy bay giao nhận và 38% tổng giá trị dịch vụ. Tiếp đến là Bắc Mỹ và Châu Âu, tạo nên top 3 khu vực dẫn đầu về tăng trưởng trong tương lai.
Trên phạm vi toàn cầu, sự tăng trưởng của đội máy bay thương mại đòi hỏi có thêm số lượng lớn phi công, kỹ thuật viên và phi hành đoàn. Dự báo về Phi công và Kỹ thuật viên năm 2019 của Boeing ước tính ngành hàng không dân dụng sẽ cần đến 2,5 triệu nhân sự hàng không mới từ nay đến năm 2038.
Commercial Market Outlook (CMO) là dự báo có thời hạn dài nhất và được xem là phân tích toàn diện nhất của ngành hàng không thương mại.