Bộ Xây dựng "bêu" tên hàng loạt "ông lớn" làm ăn bết bát, dư nợ nhiều
Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty cơ khí xây dựng COMA, Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen)... là những doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đang rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, dư nợ nhiều.
Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp cửa cuối năm 2016. Báo cáo tại hội nghị, Bộ này cho hay, chỉ số sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ ước đạt trên 76.000 tỷ đồng, bằng 47 % kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2015.
Giá trị xây lắp, công nghiệp, vật liệu xây dựng, tư vấn, kinh doanh... đều chỉ đạt trên dưới 45% kế hoạch. Nhìn chung hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực có sự ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được của một số doanh nghiệp tăng trưởng cao, báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng làm ăn khó khăn, bết bát, không đạt chỉ tiêu kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ.
Chẳng hạn như: Tổng công ty Sông Hồng (76,3%), Tổng công ty Sông Đà (77%), Tổng công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam Viwaseen (79,6%), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD (84,6%).
Tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp nhìn chung vẫn khó khăn, nhất là các Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty cơ khí xây dựng COMA, Viwaseen… dư nợ phải thu, phải trả vẫn còn khá lớn.
Từ những khó khăn của các doanh nghiệp nêu trên dẫn đến việc mức hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm không thực sự cao, chỉ đạt 47,2% so với kế hoạch đề ra.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Kiểm toán nhà nước cũng ra báo cáo chính thức công bố về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước năm 2014.
Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng cũng được chỉ ra liên quan đến việc quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, nhiều đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Điển hình là Công ty mẹ - COMA: Lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con bằng 1,05% vốn đầu tư, trong đó 06/10 công ty con thua lỗ (04 công ty mất vốn chủ sở hữu: COMA 3, COMA 7, COMAEL, CTCP Khóa Minh Khai); lợi nhuận được chia từ công ty liên kết bằng 1,8% vốn đầu tư (trong đó 1/4 công ty liên kết thua lỗ).
Cũng tại Tổng công ty cơ khí xây dựng COMA, kiểm toán xác định là tổng công ty có nợ khó đòi lớn: COMA 18 là 28,57 tỷ đồng, COMAEL 48,04 tỷ đồng.
Vốn góp của các đơn vị vào nhiều doanh nghiệp khác có tình trạng tài chính xấu: Vốn chủ sở hữu âm Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà: CTCP Xi măng Hạ Long 1.655 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng cho biết, Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn với 473,79 tỷ đồng, chiếm 25,65% nợ phải thu; nợ khó đòi lớn: Công ty mẹ - CC1 là 65,85 tỷ đồng.
Bên cạnh khó khăn yếu kém hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý của Bộ này cũng thừa nhận, việc cổ phần hóa tại một số tổng công ty thuộc Bộ còn chậm. Tuy nhiên, trong phần phương hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng cũng chưa có biện pháp để cải thiện tình hình.