Bỏ việc fulltime để làm "ông chủ" của chính mình, đây là cách tôi gom góp thành công: Dù làm công việc gì, kỹ năng và sự chuẩn bị đều cực kỳ quan trọng

24/02/2019 14:15 PM | Sống

Làm chủ của chính mình không phải là giấc mơ ngày một ngày hai nhưng cũng không hẳn là bất khả thi. Để đổi đời, bạn cần nhiều hơn là kỹ năng và sự quyết tâm.

Từ trước khi tốt nghiệp, tôi đã nắm chắc trong tay một vị trí ngon nghẻ trong một công ty tương đối ổn. Một tuần sau khi nắm chắc tấm bằng cử nhân trong tay, tôi đi làm trong tâm trạng phấn chấn tột cùng. Đó là thời điểm tôi không còn là thực tập sinh mà đã là nhân viên chính thức. Tôi yêu quý đồng nghiệp và công việc mà tôi sắp sửa làm. Còn gì tuyệt vời hơn nữa?

Thế nhưng, không lâu sau khi bước vào guồng quay chốn công sở, có hai điều làm tôi không khỏi ngạc nhiên. Điều thứ nhất là khối thời gian rảnh khổng lồ mà tôi có bởi lẽ tôi đã không còn vướng bận với đống bài tập, thi cử thời đại học. Thứ hai, tôi nhớ sự nhiệt huyết, sáng tạo mình đã có với nghề viết lách khi còn ở đại học.

Chính vì vậy, tôi đã tìm một số công việc viết lách dưới vai trò là một freelancer. Thật đáng ngạc nhiên, viết lách mang lại cho tôi một nguồn thu ngoài lề đáng kể. Sau một vài năm cùng đôi lần nhảy việc, trong một chuyến đi nghỉ mát cùng hôn phu, tôi chợt nhận ra rằng: "Tại sao không biến freelancing thành công việc toàn thời gian của mình? Nếu vậy, nó sẽ cho mình sự linh hoạt cần thiết về thời gian và các yếu tố khác nữa."

Mong muốn là một chuyện nhưng thực hiện lại là một chuyện khác. Trở thành một freelancer không chỉ đơn thuần là nghỉ việc ngồi nhà gõ máy tính. Bạn phải thực sự nghiêm túc về tình hình tài chính của mình bởi nghỉ việc cũng đồng nghĩa với việc mất đi những lợi thế như thu nhập ổn định, bảo hiểm.

Những bước đi đầu bao giờ cũng khó khăn nhưng sau cùng tôi cũng đã làm được, tôi đã có thể trở thành sếp của chính mình. Và dưới đây là những gì tôi đã làm để tạo nên bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời mình.

Quỹ "khẩn cấp" là ưu tiên số một

Vào những tháng cao điểm, công việc tự do đã đem lại cho tôi thu nhập một tháng lên tới 1.500 USD, đó là còn chưa tính lương full time khi tôi còn đi làm. Thế nhưng, thay vì tự thưởng cho bản thân những bữa tối sang chảnh hay một buổi spa xa xỉ, tôi dằn lòng tiết kiệm hết số tiền công việc này mang lại.

Ngay từ những ngày đầu đi làm, tôi đã tự dành dụm cho mình một khoản với tên gọi "quỹ khẩn cấp". Thực ra lúc ấy tôi đã làm gì có kế hoạch nghỉ việc đâu. Quỹ "khẩn cấp" thực ra chỉ là một phương án phòng ngừa cho những ngày giông bão của cuộc đời tôi.

Khi nộp đơn xin nghỉ việc, tôi đã có trong tay số tiền tiết kiệm với trị giá tương đương 2 năm đi làm. Như vậy, kể cả trong trường hợp xấu nhất, tức là nếu công việc tự do bên ngoài không đem lại cho tôi thu nhập mong muốn hay giả như có một khoản thu bị chậm, tôi cũng có thể thanh toán các hóa đơn cần thiết.

Nghề freelancer không hề ổn định. Nó yêu cầu sự kiên trì bởi có vô số việc bạn sẽ phải làm không công, ví dụ như tìm đối tác, tự PR cho bản thân... Trong 3 tháng đầu dấn thân với công việc tự do toàn thời gian, số tiền tôi kiếm được chẳng là bao so với số tôi kiếm được khi đi làm. Thế nhưng, việc có quỹ "khẩn cấp" mang lại cho tôi sự an tâm cần thiết bởi nó cho tôi thời gian để gây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của mình.

Bỏ việc fulltime để làm ông chủ của chính mình, đây là cách tôi gom góp thành công: Dù làm công việc gì, kỹ năng và sự chuẩn bị đều cực kỳ quan trọng - Ảnh 1.

Lo xa không bao giờ là thừa

Ngay khi được tiếp cận với quỹ hưu trí, tôi đã chớp lấy cơ hội và đóng góp đều đặn. Tiền đóng góp cho quỹ và thu nhập là hai con số tỷ lệ thuận với nhau. Nhờ đó, số tài sản trong quỹ của tôi ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, nếu lãi suất cứ tiếp tục duy trì, tôi dám cá rằng, khoản mục đầu tư này sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

Khi quỹ hưu trí đã đạt đến trạng thái ổn định, tôi ngay lập tức chuyển sang các hạng mục đầu tư khác và gấp đôi dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Bằng việc mạnh tay chi cho chứng khoán, tôi cũng đã gián tiếp mang lại nguồn thu ổn định cho ngân quỹ của mình.

Mục tiêu của tôi hiện tại là không sử dụng đến số tiền dành cho những năm tháng tuổi già. Nếu được như vậy, kể cả khi không còn gửi tiền đều đặn cho quỹ hưu trí, tôi vẫn đang tiết kiệm cho tương lai. Bên cạnh đó, vì tôi đầu tư chứng khoán trong dài hạn, tôi không phải lo lắng về những rủi ro nếu thị trường tụt dốc.

Xây dựng mạng lưới khách hàng vững chắc

Bỏ việc fulltime để làm ông chủ của chính mình, đây là cách tôi gom góp thành công: Dù làm công việc gì, kỹ năng và sự chuẩn bị đều cực kỳ quan trọng - Ảnh 2.

Một trong những lợi thế khi vừa đi làm vừa nhận việc freelancing là bạn có quyền lựa chọn khách hàng. Hơn thế nữa, nó cũng cho bạn cơ hội để cải thiện các kỹ năng sẵn có làm nền tảng cho công việc freelancing sau này.

Tôi không hề che giấu ý định trở thành một freelancer toàn thời gian. Tôi liên lạc với các đối tác cũ, chia sẻ cùng đồng nghiệp và không ngừng mở rộng mạng lưới quan hệ thông qua LinkedIn và email. Tôi không quá dông dài về những dự định của mình nhưng bằng việc hé lộ cho họ biết những thay đổi sắp tới trong sự nghiệp, các mối quan hệ cũng như cơ hội dần được thiết lập và nhờ đó, tôi có được một mạng lưới khách hàng vững chắc.

Thậm chí đến tận bây giờ, tôi vẫn thường xuyên chia sẻ với những người thân cận về các đổi mới trong sự nghiệp. Và bạn biết không, gần đây có một tài khoản LinkedIn đã tiếp cận, khen ngợi các sản phẩm tôi đã làm và sau cùng, mời tôi tham gia vào dự án của họ.

Dù hầu hết khách hàng tôi có được là nhờ truyền miệng, tôi vẫn không quên thường xuyên ứng tuyển vào các vị trí phù hợp cũng như tương tác với nhà tuyển dụng. Bạn biết đấy, không nên bỏ phí bất kỳ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất.

*Chia sẻ của Jacqueline DeMarco, một freelancer 25 tuổi tại LearnVest.com

Theo Minh An

Cùng chuyên mục
XEM