Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cụ 83 tuổi ở Thanh Hóa kiên quyết bốn lần đem đơn lên xã xin thoát nghèo, Điện Biên hơn 100 hộ xin ra nghèo, đây sẽ là sức mạnh!

06/11/2019 15:55 PM | Xã hội

Sáng nay trong phiên chất vấn Bộ trưởng, các ĐBQH rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, khi đề cập đến những khó khăn cho chương trình xây dựng nông thôn mới không thể nói về một vấn đề cụ thể, có rất nhiều khó khăn.

Theo Bộ trưởng, một là nguồn lực cũng rất khó, thứ hai khi có nguồn lực rồi, còn khó khăn trong sự chỉ đạo, phương thức chỉ đạo, tổ chức sản xuất, duy trì văn hóa,... Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, khu vực này (nông thôn - PV) đang là điểm lõm.

Có thể thấy, kết quả chung đến giờ đã hoàn thành được 52,4% số xã, tức là khoảng độ 4.665 xã đạt nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2019, số xã nông thôn mới ở Tây Bắc mới có khả năng đạt 28%, tháng 8 này chỉ được có 26%, như vậy, theo Bộ trưởng, tỷ lệ còn rất nhiều, vùng rất khó, nguồn lực nhà nước chỉ có hơn 10%, vấn đề tính toán cho giai đoạn tới dồn vào chỗ 50% còn lại mới là cái khó.

Nói về giải pháp, Bộ trưởng xác định: "Ở đây cũng không có phương thức gì khác ngoài việc xác định rõ vai trò chủ thể người dân phải được khuyến khích, ý thức người dân tự vươn lên thì đó mới là sức mạnh. Cụ 83 tuổi ở Thanh Hóa kiên quyết bốn lần đem đơn lên xã xin thoát nghèo. Đây sẽ là sức mạnh, Điện Biên hơn 100 hộ xin ra nghèo. Như vậy, sức dân rất lớn!

Làm sao khơi dậy được nội lực của dân, cùng với đó chính sách của nhà nước, cùng với đó là sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị đồng lòng thì tin tưởng chúng ta sẽ nhìn ra rõ như thế, bằng chùm giải pháp tổng thể, kể cả về nguồn lực, kể cả về sự chỉ đạo, chúng tôi tin tưởng thời gian tới sẽ khắc phục và tập trung vấn đề này".

Theo bộ trưởng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng ta chia ra làm 2 giai đoạn. Một là giai đoạn từ 2011-2015 và hai là giai đoạn 2016-2020, xen giữa của 2 giai đoạn này có giám sát tối cao của Quốc hội bằng việc chúng ta ban hành Nghị quyết số 32 về yêu cầu tập trung xử lý 10 nội dung căn cốt tồn tại của giai đoạn 1 là giai đoạn 2011-2015.

Trong đó có một nội dung chúng ta đã rút kinh nghiệm giai đoạn trước, tức là phân bổ bình quân trên tổng số gần 9.000 xã với một định mức như nhau thì sau khi có kết quả giám sát của Quốc hội, chúng ta tổ chức lại.

Điểm thứ nhất là phân bổ tính theo vùng miền, những xã miền núi thì được 4-5 lần. Ví dụ xã nào dưới 5 tiêu chí thì tập trung gấp 5 lần bình thường. Còn xã miền núi thì tập trung 4 lần, đây cũng là điều chỉnh chính sách.

Điểm thứ hai là nguồn lực nhà nước giai đoạn trước chỉ chiếm có 10% thì giai đoạn này điều chỉnh lên 13% trong hoàn cảnh kinh tế, ngân sách khó khăn. Đây là một hướng, chúng ta đã cố gắng, do vậy trong tổng số 2,4 triệu tỷ đầu tư cho 9 năm thì riêng phần nhà nước, ngân sách đã tập trung tới 13,2% đây cũng là một cố gắng chung. Trong chỉ đạo chúng ta cũng chú ý những vùng miền núi khó khăn.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng là kết quả cuối cùng chưa được đồng đều. Điều này, là một thực tế, Bộ trưởng Cường giải thích bởi vì các xã miền núi những xã địa hình rất rộng, xã miền núi thì bằng cả một huyện miền xuôi. Hai là thiết chế hạ tầng nói chung các mặt đều thấp kém hơn rất nhiều so với các vùng đồng bằng. Ba là dân cư thưa thớt, nguồn lực tại chỗ ít như thế. Bốn là các nguồn lực huy động xã hội khác không có.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM