Bộ GTVT quy định lắp camera đối với xe tải

06/11/2019 15:41 PM | Xã hội

Nếu nghị định được thông qua, từ ngày 1-7-2021, ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ chín chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera.

Bộ GTVT cho biết vừa có báo cáo rà soát và hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 (lần thứ 12) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô trình Chính phủ.

Theo đó, dự thảo Nghị định lần này, ban soạn thảo giữ nguyên quy định bắt buộc lắp camera đối với xe tải, nhưng có điều chỉnh thời gian.

Cụ thể, trước ngày 1-7-2021 (dự thảo trước đây 31-12-2020), ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu.

Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Bên cạnh đó, từ ngày 1-7-2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ chín chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu.

Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

“Việc bổ sung nội dung này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước. Đồng thời đưa ra lộ trình để các đơn vị vận tải có sự chuẩn bị…”, Bộ GTVT lý giải.

Liên quan đến quy định trên, trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu quy định lắp đặt camera để ghi hình lái xe và trên xe.

Theo Phó Thủ tướng, việc lắp đặt camera để ghi hình, lưu trữ hình ảnh của lái xe và trên xe là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

“Vì vậy, Bộ GTVT cần thống nhất lại với Bộ Công an về thời gian lưu trữ dữ liệu, bảo đảm phù hợp với điều kiện về công nghệ và phạm vi, tính chất của từng loại hình doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Đồng thời nghiên cứu thêm lộ trình tích hợp các thiết bị giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải để phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết, hiện nay trên thị trường, một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá vào khoảng 4,5-5,5 triệu đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng.

Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị cho trên 340.000 phương tiện (dự kiến phải lắp đặt) sẽ vào khoảng 1.500-1.900 tỉ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỉ đồng/năm.

Cho phép hộ kinh doanh cá thể được tham gia hoạt động vận tải Bộ GTVT cho biết dự thảo lần này cũng cho phép hộ kinh doanh cá thể được tham gia hoạt động kinh doanh loại hình xe hợp đồng. “Điều này hoàn toàn phù hợp với Luật Giao thông đường bộ , luật dân sự và các quy định liên quan…”, Bộ GTVT khẳng định. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc tham gia hoạt động kinh doanh của đối tượng này phải tuân thủ mọi điều kiện về kinh doanh vận tải. Cụ thể, phải có giấy phép kinh doanh vận tải, điều kiện về lái xe và giấy phép lái xe hạng phù hợp; lắp thiết bị giám sát hành trình; có niêm yết thông tin về hộ kinh doanh cá thể bên ngoài xe; có phù hiệu do Sở GTVT cấp; xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông và phải chịu trách nhiệm đóng thuế và những trách nhiệm liên quan đến người lao động…

Theo Viết Long

Cùng chuyên mục
XEM