Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chỉ có Make in Vietnam mới nâng tầm Việt Nam, đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển, đưa Việt Nam ra thế giới

30/11/2019 10:02 AM | Xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, sau 25 năm, đây là thời điểm Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT (FIS) bắt đầu một hành trình mới, một “Ngày mới”, trong sứ mệnh chung tay xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Công ty FIS diễn ra chiều nay 29/11/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Hôm nay, tôi và các bạn ở đây để nhìn lại chặng đường mà FIS đã đi qua, với nhiều dấu mốc đáng ghi nhận; đặc biệt hơn, đây là thời điểm để bắt đầu một hành trình mới, một "Ngày mới" đối với FIS, một thành viên của FPT, trong sứ mệnh chung tay xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Với chặng đường 1/4 thế kỷ của mình, FIS là một trong những doanh nghiệp công nghệ số đầu tiên của Việt Nam, đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều ngành trọng điểm của quốc gia, như: Thuế, Hải quan, Tài chính ngân hàng, Giao thông, Y tế, Chính phủ số, v.v...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ: 25 năm là dài đối với một doanh nghiệp, nhất là một doanh nghiệp công nghệ, thường doanh nghiệp thì luôn phải tái tạo lại chính mình. Có thể là làm cái gì đó mới và làm theo một cách mới. Vậy, 25 năm qua, FIS đã có lần nào đổi mới căn bản chưa ?

FIS là doanh nghiệp công nghệ cao. Nhưng một năm, mỗi người của FIS chỉ tạo ra được lợi nhuận là 2.200$, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ 3%? Đã có khi nào FIS nghĩ, đây là con số cao hay thấp chưa ?

Thường thì khi có hai việc để làm, chúng ta sẽ có xu thế chọn việc dễ để làm trước, và nghĩ rằng, sau khi làm xong việc dễ thì sẽ làm việc khó. Nhưng cuộc sống lại không hẳn như vậy, làm việc dễ thì hình thành lên văn hoá của việc dễ. Và văn hoá đó không phù hợp để có thể làm việc khó. Một người lãnh đạo có tầm nhìn thì sẽ chọn việc khó hơn để làm. Việc khó hơn không chỉ hình thành văn hoá chinh phục việc khó mà còn tạo ra lợi nhuận lớn hơn, bởi vì việc khó hơn thì sẽ có ít cạnh tranh hơn. FIS đã bao giờ như vậy chưa?

Doanh nghiệp nên đi tiên phong trong việc tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng mà con người đang trải qua, đi tiên phong trong việc nâng cao ý thức của xã hội và giải quyết những thách thức lớn nhất của xã hội. Doanh nghiệp càng lớn, tác động của nó càng mạnh, trách nhiệm với đất nước càng phải cao. Một doanh nghiệp lớn thì phải nhận lấy về mình sứ mạng quốc gia, cũng là sự khác biệt với doanh nghiệp nhỏ. FIS là một doanh nghiệp phần mềm lớn của Việt Nam, với 3000 người và doanh thu 5000 tỷ, đã bao giờ các bạn suy nghĩ về sứ mạng quốc gia của mình chưa ?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu: Sau 25 năm, FIS tuyên bố "Ngày mới". Đây là cam kết mạnh mẽ về sự tái tạo, về sự chuyển mình cho một sứ mạng mới. Chuyển đổi đã là một việc khó, mà lại thêm một việc khó nữa là nhận một mục tiêu thật cao.

Một mục đích thực sự, một sứ mạng lớn lao sẽ tạo ra năng lượng cho các doanh nghiệp và cho phép chúng ta vượt qua những khó khăn trên đường đi. Make in Vietnam! Hãy sáng tạo, thiết kế và làm ra sản phẩm, công nghệ tại Việt Nam. Make in Vietnam sẽ thay đổi Việt Nam. Chí có Make in Vietnam mới nâng tầm Việt Nam, đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển, đưa Việt Nam ra thế giới, đóng góp cho nhân loại. Vậy, FIS có nhận đi đầu trong chiến lược Make in Vietnam, trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm không?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chỉ có Make in Vietnam mới nâng tầm Việt Nam, đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển, đưa Việt Nam ra thế giới - Ảnh 1.

Bộ trưởng cho rằng: FIS sẽ tập trung phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số.

Bộ trưởng cho rằng: FIS sẽ tập trung phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số. Một là các doanh nghiệp công nghệ lớn làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi, khoảng 10-20 doanh nghiệp, có tiềm lực tài chính, thị trường và nhân lực. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hai là các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm, hiện chúng ta đang có hàng ngàn, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms chuyển đổi số. Ba là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này. Bốn là các các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. Việt Nam có được hàng trăm doanh nghiệp loại này thì đã là rất thành công.

Bộ trưởng kỳ vọng, Công ty FIS nơi thể hiện tinh thần và trí tuệ của dân tộc - Văn Miếu Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của đất nước. Hãy tiếp tục mở lối tiên phong! Hãy nhận về mình những thách thức lớn, hãy giải những bài toán khó của đất nước và từ đó đi ra thế giới.

Theo MIC

Cùng chuyên mục
XEM