Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Từ chuyện TTTM cỡ AEON xây trong 68 ngày ở Trung Quốc đến dự thảo chính sách hút đầu tư MẠNH NHẤT của Việt Nam trước cơ hội "ngàn năm" trong ngành bán dẫn

08/11/2024 10:40 AM | Kinh tế vĩ mô

Một nhà máy Tesla hàng tỷ USD ở Trung Quốc từ khởi công đến khánh thành đưa vào hoạt động chỉ 11 tháng, một TTTM cỡ AEON mất 68 ngày. “Tại sao người ta làm nhanh như vậy được? Nếu doanh nghiệp vào nước ta xin phép đầu tư, xin phép xây dựng, xin phép môi trường, phòng cháy chữa cháy… thủ tục rất nhiều thì mất hết thời gian và cơ hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Từ chuyện TTTM cỡ AEON xây trong 68 ngày ở Trung Quốc đến dự thảo chính sách hút đầu tư MẠNH NHẤT của Việt Nam trước cơ hội "ngàn năm" trong ngành bán dẫn- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đang trình Quốc hội chính sách mới được nhận định là “bước cải tiến mạnh mẽ” với ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn.

Chia sẻ tại Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 – SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng Dũng cho biết theo dự thảo, doanh nghiệp đầu tư vào các khu khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế, thương mại tự do…, sẽ không phải xin giấy phép đầu tư mà chỉ cần đăng ký đầu tư.

Chỉ trong 15 ngày, Ban quản lý sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khi được cấp, các doanh nghiệp không phải làm thủ tục về xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy. Chúng tôi có sẵn các tiêu chuẩn, quy chuẩn với các lĩnh vực này. Nhà đầu tư chỉ cầm cam kết thực hiện đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã có”, Bộ trưởng nói.

Ba vấn đề về xin phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy hiện đang mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Với dự thảo này, các nhà đầu tư có thể triển khai dự án ngay khi được cấp đăng ký đầu tư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính sách này nhằm tạo thuận lợi, cắt giảm tối đa thủ tục, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp.

Ở Trung Quốc, họ xây dựng một nhà máy ô tô của Tesla hàng tỷ USD, từ khi khởi công xây dựng đến khi khánh thành, đưa vào hoạt động mất 11 tháng, một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD cỡ AEON làm trong 68 ngày. Tại sao người ta làm nhanh thế được?”

“Nếu doanh nghiệp vào nước ta xin phép đầu tư, xin phép xây dựng, xin phép môi trường, phòng cháy chữa cháy… thủ tục rất nhiều thì mất hết thời gian và cơ hội”, Bộ trưởng chia sẻ với báo giới bên lề sự kiện.

Theo Bộ trưởng, ngoài việc giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, chính sách này cũng thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thiết kế của chính sách rất hấp dẫn, đặc biệt cho ngành công nghệ cao - là ngành chúng ta khuyến khích, lại nằm trong các khu công nghiệp đã được quản lý rất chặt chẽ về môi trường và các vấn đề khác, sẽ lọc được những ngành công nghệ thấp, lọc được những ngành ảnh hưởng tới môi trường”.

“Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là một bước cải cách rất mạnh”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận cơ hội trong ngành bán dẫn là “ngàn năm có một”, và Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong ngành công nghiệp này.

Theo dự báo của Hiệp hội Bán dẫn Toàn cầu (SEMI), thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt hơn 7 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 – 2028.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM