Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Số liệu GDP đáng tin cậy, được quốc tế công nhận!
Đây là một trong số những nội dung được Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình tại Nghị trường chiều nay 31/11.
Trước con số tăng trưởng ngoạn mục của quý III/2017, Bộ trưởng Dũng khẳng định số liệu là đáng tin cậy, phương pháp thống kê có cơ sở khoa học, khách quan, được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đồng thời được quốc tế công nhận.
Bộ trưởng cũng cho biết mục tiêu GDP đạt 6,5% là hoàn toàn có thể đạt được trong năm nay vì theo thông lệ, quý IV luôn là quý tăng trưởng cao nhất, đóng góp lớn nhất về tăng trưởng cả năm.
Để các đại biểu yên tâm hơn, Bộ trưởng Dũng đã đưa ra số liệu đầy khả quan về kinh tế trong 10 tháng qua như: Sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước với chỉ số sản xuất toàn ngành tính chung 10 tháng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016 và cao hơn mức tăng 7,9% của 9 tháng năm nay; Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 16,3%;…
Bộ trưởng cũng nhất trí với nhận định của đại biểu về tốc độ tăng trưởng GDP có sự khác biệt giữa các quý trong năm và cho biết tốc độ tăng trưởng phụ thuộc vào các yếu tố chu kỳ sản xuất, mùa vụ,... quý I thường bị ảnh hưởng lễ hội, thời tiết, mua sắm sản xuất... bình quân quý I chỉ chiếm 18% tổng GDP cả năm.
Về chất lượng kinh tế, Bộ trưởng Dũng nhận xét đã có nhiều cải thiện, dần được nâng lên, thể hiện ở 10 chỉ tiêu được UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và WB (Ngân hàng Thế giới) đánh giá, tập trung ở 4 nhóm.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP được duy trì ở mức độ cao, ổn định từ năm 2011 – 2017, bình quân trên 6%.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển dịch kinh tế sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, phát huy các yếu tố đầu ra, giảm dần sự phụ thuộc vào tài nguyên.
Thứ ba, môi trường, năng lực kinh doanh có nhiều tiến bộ đáng kể.
Thứ tư, tăng trưởng nhưng không làm mất đi mà còn thúc đẩy sự công bằng trong xã hội.
Đối với năm 2018, Bộ trưởng cho biết mục tiêu GDP sẽ là 6,5 – 6,7%. Nguyên nhân cho mức tăng trưởng này được Bộ trưởng giải thích ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, kinh tế thế giới được dự báo là sẽ phục hồi dù vậy vẫn cần phải cẩn trọng ở nguy cơ bất ổn an ninh, xu thế bảo hộ mậu dịch ở một số nước.
Thứ hai là trong nước, các ngành chế biến chế tạo đi vào sản xuất, đóng góp cho sự tăng trưởng.
Bên cạnh đó, các cải cách thể chế tiếp tục được phát huy sẽ hỗ trợ cho mục tiêu này rất nhiều, theo Bộ trưởng Dũng.