Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra cảnh báo về xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài
Dòng vốn FDI toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có khả năng tác động làm điều chỉnh dòng đầu tư của Hoa Kỳ, EU từ Trung Quốc vào các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới cho Việt Nam trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nói tại Hội nghị tổng kết 30 năm FDI, sáng 4/10.
Đầu tư nước ngoài, theo Bộ trưởng Dũng, đã đồng hành cùng tiến trình Đổi Mới và mở cửa nền kinh tế, giúp đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển thành nước có thu nhập trung bình, ngày càng có vị thế trên trường quốc tế.
Ông Dũng khẳng định sự đóng góp của FDI là không thể phủ nhận cho thành tựu của đất nước. "Nó đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế", ông nói.
Dẫn chứng, Bộ trưởng cho biết mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.
Hay tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước…
Cùng với thúc đẩy tăng trưởng, khối FDI được Bộ trưởng nhận định là đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng xuất khẩu, thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Tuy nhiên, việc thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài được Bộ trưởng nhìn thẳng là còn nhiều hạn chế. Những điều này, thực tế đã liên tục được chỉ ra, trực diện thừa nhận và tìm cách khắc phục. Đơn cử như việc liên kết và hiệu ứng lan toả năng suất từ FDI đến doanh nghiệp trong nước thấp, nhiều dự án vẫn là gia công, lắp ráp... hay việc doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ quy định Việt Nam, có hành vi trốn thuế, chuyển giá...
Với những bài học được nhìn nhận thông qua những sự vụ trên, Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã có thêm kinh nghiệm để điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Trong đó, ông lưu ý về việc thúc đẩy nguồn lực trong nước, song song với nguồn lực nước ngoài. Nghĩa là phải có sự huy động, sử dụng hiệu quả của hai nguồn này.
Chính phủ cũng cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo chuẩn mực thị trường đầy đủ, hiện đại, là tiền đề để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hoá và cạnh tranh quốc tế.
Bộ trưởng nhấn mạnh bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với Việt Nam trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài thời giai đoạn tới.
"Dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm và đang dịch chuyển theo các hướng thuận và không thuận đối với Việt Nam", ông nói.
Theo phân tích của Bộ trưởng, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có khả năng tác động làm điều chỉnh dòng đầu tư của Hoa Kỳ, EU từ Trung Quốc vào các nước khác, Việt Nam cũng nằm trong số đó.
Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn trước áp lực cạnh tranh với một số nước ở khu vực trong thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển.
"Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng và yêu cầu về xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do ngày càng cao, việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, dựa nhiều vào nhập khẩu để xuất khẩu cũng là thách thức không nhỏ", ông nói thêm.
Mặt khác, Bộ trưởng cũng nhận định cách mạng 4.0 cũng vừa là động lực, vừa là thách thức cho thị trường hơn 90 triệu dân.
Trong tương lai, ông nói rằng Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tiếp tục thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đó là dòng vốn đến từ những nhà đầu tư có vốn, công nghệ cao, tiên tiến trong quản trị. Dòng vốn sẽ hướng đến các ngành, lĩnh vực như năng lượng sạch, đào tạo, dịch vụ…