Kỳ vọng "chuyển mình" trong thu hút FDI

03/10/2018 16:43 PM | Xã hội

Tổng vốn FDI chảy vào Việt Nam từ năm 1988 đến nay là hơn 403,04 tỷ USD, bình quân vốn đăng ký một dự án là 13,7 triệu USD...

Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra vào ngày 4/10 tại Hà Nội sẽ tìm ra những định hướng mới cho thu hút FDI giai đoạn tới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành xu hướng và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có diễn biến khó lường.

Với 29.400 dự án còn hiệu lực tính đến thời điểm 20/8/2018, tổng vốn FDI chảy vào Việt Nam từ năm 1988 đến nay là hơn 403,04 tỷ USD, bình quân vốn đăng ký một dự án là 13,7 triệu USD.

Việt Nam trở thành điểm hút vốn FDI trong khu vực ASEAN nhờ hội tụ đủ yếu tố thuận lợi tốt nhất cho môi trường đầu tư thông qua chỉ số, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế về xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh, tự do và ngân hàng. Việt Nam có thị trường lớn, chính trị ổn định, tham gia nhiều hiệp định, vị thế vai trò cao hơn trong khu vực...

Nhiều vấn đề tồn tại của nền kinh tế đang được khơi thông, trong đó có nỗ lực cải cách hạ tầng, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, môi trường thuận lợi cho mọi hình thức đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam... Đây là những cơ sở, động lực để các nhà đầu tư đến, làm ăn lâu dài và đồng hành cùng Việt Nam phát triển.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong suốt 30 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam như tạo nguồn vốn, việc làm, các giá trị cho nền kinh tế và đóng góp cho thu ngân sách, góp phần xóa đói giảm nghèo... Song nhìn lại chặng đường 30 năm, ông Dũng thừa nhận khu vực FDI vẫn còn những hạn chế và bất cập.

"Khu vực FDI có nhiều đóng góp, tuy nhiên có một số hạn chế, bất cập mà thời gian gần đây một số ý kiến quan ngại, đó là những ý kiến đúng và có cơ sở", ông Dũng thừa nhận.

Vì vậy, hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, theo ông Dũng, là để nhìn rõ bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời rút ra nhiều bài học lớn để từ đó đưa ra những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI sắp tới của Việt Nam. "Vị tư lệnh" ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân của những hạn chế này ở khâu thể chế, chính sách, khâu tổ chức thực hiện hay nguyên nhân do năng lực chúng ta chưa tốt, công tác quản lý chưa tốt.

"Tìm được nguyên nhân rồi thì có giải pháp điều chỉnh trong giai đoạn tới. Trước bối cảnh mới, biến động mau lẹ của tình hình kinh tế thế giới mới, chúng ta phải định vị lại vai trò của FDI thế nào với nền kinh tế Việt Nam", ông Dũng nói và nhấn mạnh, "Chúng ta nên khẳng định coi FDI là một bộ phận của nền kinh tế, có đóng góp quan trọng và tiếp tục thu hút và sử dụng nó nhưng phải có điều chỉnh về mặt chiến lược, định hướng mang lại hiệu quả, khắc phục được những hạn chế vừa qua".

Những hạn chế cần giải quyết của khu vực FDI, theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam (VAFIE), đó là sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng. Hay quy mô vốn đăng ký của các dự án FDI vào Việt Nam đang có xu hướng "teo lại", có dự án vốn đăng ký chỉ khoảng 1 triệu USD/dự án. Hay nhiều dự án có công nghệ thấp, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường...

Vì vậy, theo ông Dũng, cần phải đặt vấn đề tiếp tục thu hút nhưng có trọng tâm, trọng điểm hơn, ví dụ gắn với quá trình cải cách, tái cơ cấu, gắn với Cách mạng công nghệ lần thứ 4 để khu vực FDI thực sự tạo ra sự lan tỏa vùng miền, liên kết doanh nghiệp nội, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tập trung dự án thân thiện môi trường, công nghệ cao hơn...

Trước đây chúng ta hay quan tâm đầu tư ngành nghề truyền thống, giờ có đầu tư phi truyền thống như mô hình kinh tế chia sẻ, hoàn thiện thể chế để nhà đầu tư nước ngoài vào có điều kiện, cơ chế, hạ tầng, để thu hút họ đồng thời là động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước. "Đấy là định hướng lớn trong thời gian tới của bộ", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Anh Nhi

Cùng chuyên mục
XEM