Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Văn phòng không giấy tờ sẽ giúp giải quyết nạn tham nhũng vặt!

13/03/2019 14:45 PM | Kinh tế vĩ mô

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhận định: "Khi một bộ hồ sơ điện tử được tạo ra, nó sẽ hạn chế việc tiếp xúc giữa người dân và công chức thực thi công vụ. Văn bản cứ đến đúng hạn là được trình, ký, đánh số rồi chuyển đi, không một tích tắc nào bị lãng phí".

Việt Nam đã chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, được xem là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Mai Tiến Dũng về câu chuyện cơ quan nhà nước không giấy tờ, hướng đến một Chính phủ điện tử, số hoá trong tương lai.

Theo hình dung của Bộ trưởng, một Chính phủ không có giấy tờ sẽ như thế nào?

Thực ra một nền hành chính hiện đại, cải cách theo hướng Chính phủ kiến tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả thì nó phải hướng đến điện tử hoá các văn bản, giấy tờ. Theo đó, toàn bộ nhân lực, công việc sẽ được sắp xếp lại, dẫn đến sự tiết kiệm và tiết giảm.

Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của công chức, sẽ được nâng cao hơn. Lúc này, họ sẽ tự nhắc nhở là khi làm bất cứ điều gì, cũng có người theo dõi, giám sát. Nếu họ làm không ổn, không tốt, lập tức bị phản ánh, đánh giá.

Chúng ta cần thay đổi tư duy làm việc, thay vì bưng bít, co kéo quyền lợi, bổng lộc mà như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hay nói là thói tham nhũng vặt, phải triệt tiêu hoàn toàn. Làm Chính phủ không giấy tờ, điện tử hoá sẽ giải quyết được.

Nói như vậy thì nhiều công chức, viên chức một mặt vẫn có thói quen làm việc trên giấy tờ, một mặt ngần ngại sử dụng công nghệ do sợ bị kiểm soát, giám sát?

Điều này là đúng đấy. Như tôi đã nói, chúng ta cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm. Trước đây công việc có thể bưng bưng bít bít, không công khai, muốn độc ngôn độc quyền thế nào cũng được vì chỉ mình cán bộ, công chức đó biết. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp, người dân bị gây khó dễ khi cần làm các thủ tục hành chính, giấy tờ.

Còn nay, khi một bộ hồ sơ điện tử được tạo ra, nó sẽ hạn chế việc tiếp xúc giữa người dân và công chức thực thi công vụ. Văn bản cứ đến đúng hạn là được trình, ký, đánh số rồi chuyển đi, không một tích tắc nào bị lãng phí.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có kể câu chuyện một gia đình, bà vợ chuẩn bị phong bì tiền cho chồng trước khi ông này đi làm thủ tục hành chính. Nhưng khi đến đó, ông ta không biết đưa tiền cho ai vì không được tiếp xúc với cán bộ nào cả. Đấy là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn: người dân được lợi và họ có niềm tin vào Chính phủ minh bạch.

Có thể hiểu Trục liên thông văn bản quốc gia chỉ là một bước khởi đầu, xa hơn là mục tiêu Chính phủ điện tử, số hoá. Tuy nhiên, có một vấn đề được các chuyên gia chỉ ra là việc liên thông cơ sở dữ liệu. Làm thế nào để các bộ, ban ngành, các sở chia sẻ dữ liệu với nhau?

Đây chính là điểm nghẽn. Chúng ta cần phải có một khung kiến trúc Chính phủ điện tử, cần một thiết kế chung cho tất cả các doanh nghiệp làm phần mềm và bám vào đó.

Hiện nay, ở một tỉnh thôi cũng có tình trạng mỗi sở, ngành, đơn vị, có một phần mềm riêng biệt, không kết nối được với nhau. Cái này sẽ được khắc phục. Thời gian tới, trên cơ sở chuẩn hoá thì các doanh nghiệp viết phần mềm phải tuân thủ quy định này. Như vậy, việc chia sẻ thông tin sẽ dựa trên một khung chung, tổng thể. Điều này cũng nhằm mục tiêu tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Một vấn đề khác cần quan tâm là tính an toàn thông tin tuyệt đối. Các sản phẩm, dịch vụ đều có sự tham gia đánh giá của tổ chức, hội đồng tư vấn nước ngoài chứ không chỉ là mỗi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vậy làm thế nào để người dân tin vào Chính phủ điện tử?

Để cho dân tin thì Thủ tướng có chỉ đạo: Những dịch vụ gì cần cho người dân, doanh nghiệp thì phải làm trước. Nghĩa là phải tiện ích về vận hành, kết nối, dễ làm, chi phí rẻ... Những thủ tục ấy phải đúng cái mà chúng ta mong đợi là nhanh, cắt giảm phiền hà, tiêu cực. Đấy là mong muốn của Thủ tướng.

Nhưng việc này không thể một chốc, một lát mà là cả quá trình. Ngay cả vấn đề hạ tầng, cơ sở dữ liệu chúng ta chưa có hoặc cái có thì lại chưa được đầy đủ, chưa được sàng lọc và chuẩn hoá. Chúng ta phải làm từng bước nhưng phải mạnh dạn mà làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh chứ nếu cầu toàn quá thì không làm được. Chúng ta vốn là nước đi sau, nếu không vươn lên, không bắt nhịp sẽ bị tụt lại.

Tôi rất mừng là thấy các doanh nghiệp và nguồn nhân lực của chúng ta giỏi, được đánh giá cao. Tuy nhiên, phải hội tụ lại thì mới được bởi tách lẻ họ giỏi nhưng cứ ngồi 3 người lại thì thành "cãi nhau". Thủ tướng cũng có nói rồi, ông muốn kết nối doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp lớn, nhỏ cùng góp tay vào làm Chính phủ điện tử.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM