Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý phát triển văn hoá cà phê: Trà có trà đạo, thì giờ có cà phê đạo không?

12/03/2023 16:03 PM | Kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng lấy ví dụ từ thành công Starbucks, dẫn nhập định hướng phát triển cho ngành cà phê Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý phát triển văn hoá cà phê: Trà có trà đạo, rượu có tửu đạo thì giờ có cà phê đạo không? - Ảnh 1.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil, đồng thời xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng phần lớn chỉ xuất khẩu thô, giá trị gia tăng đem lại chưa cao. Bên cạnh đó, phát triển ngành hàng cà phê chất lượng cao, một cách bền vững cũng là bài toán chung đối với doanh nghiệp và các cấp quản lý.

Trong khuôn khổ hội thảo "Phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao" diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột sáng 12/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Lê Minh Hoan đã lấy Starbucks làm câu chuyện dẫn nhập, đặt vấn đề cho ngành cà phê Việt Nam.

Tại sao Starbucks có thể biến một ly cà phê giá 2-3 xu thành một sản phẩm trải nghiệm giá 5-10 USD và còn cao hơn thế nữa? Chúng ta làm sao tăng giá trị thặng dư, không chỉ dừng lại ở sản phẩm mà phải chăng là yếu tố văn hoá, trải nghiệm. Starbucks có thể đi khắp thế giới, bước vô cửa hàng Starbucks có thể cảm nhận được sự đồng dạng ở trong thiết kế, nhưng cá hay là vừa đồng dạng vừa tuỳ chỉnh cho văn hoá của từng quốc gia mà họ đặt chân tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý phát triển văn hoá cà phê: Trà có trà đạo, rượu có tửu đạo thì giờ có cà phê đạo không? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phát triển văn hoá cà phê. Nước Ý là nơi phát minh ra cà phê espresso, văn hoá thức uống nhanh. Còn văn hoá cà phê của Pháp chậm hơn, ngắm từng giọt cà phê, trải nghiệm, trải lòng, tự sự, trao đổi.

"Với cà phê, chất lượng là yếu tố quan trọng nhưng nếu tư duy như Starbucks thì chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cùng các hiệp hội ngành hàng, suy nghĩ thêm. Nếu nói về văn hoá cà phê, chúng ta ngồi tại Hội nghị không ai làm văn hoá, chắc chỉ có Hoa hậu (H'Hen Nie). Tất cả chúng ta là người kinh doanh, phân phối, liên quan đến kinh tế nhiều hơn là văn hoá. Bộ chúng tôi sau đây sẽ chính thức làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, về phát triển văn hoá cà phê Việt Nam, văn hoá cà phê Tây Nguyên", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gợi mở, chúng ta nói về không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, nếu nói thêm văn hoá cà phê Tây Nguyên, sẽ thấy điều gì đó gắn bó về mặt cảm xúc. Văn hoá cồng chiêng là di sản phi vật thể đã được UNESCO vinh danh, còn cà phê vừa vật thể và vừa phi vật thể. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, ở mùa lễ hội sau, đính hai yếu tố này với nhau. Người ta biết về cà phê Tây Nguyên thì sẽ biết tới văn hoá cồng chiêng và ngược lại.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý phát triển văn hoá cà phê: Trà có trà đạo, rượu có tửu đạo thì giờ có cà phê đạo không? - Ảnh 3.

"Chúng ta vung tầm mắt, viễn cảnh cà phê Tây Nguyên, cà phê Đắk Lắk cho 5 năm nữa, để chuyển hoá, tạo ra văn hoá cà phê. Chúng ta không áp đặt văn hoá của mình cho khách hàng nhưng có thể tìm định vị văn hoá cà phê, từ đó dẫn dắt dòng sản phẩm cà phê của mình đi khắp thế giới, với những mức giá tối ưu hơn, thay vì chỉ bán thô là chủ yếu như hiện nay.

Chúng ta lấy một chủ đề để dẫn dắt hết những không gian, nhìn đâu cũng thấy cà phê, hoa cà phê, ly cà phê, nó giàu cảm xúc và dần định hình văn hoá của ngươi Việt Nam".

Bộ trưởng đặt câu hỏi mở: "Trà có trà đạo, thì giờ có cà phê đạo không? Mình thử định vị mình xem. Đạo cũng là văn hoá, là con đường".

Xu thế tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngày nay được gói gọn trong ba chữ: sức khoẻ, vui vẻ, hoà hợp. Nếu một ly cà phê hội tụ đủ những yếu tố này, thì ngành cà phê còn nhiều dư địa để phát triển.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng cần tối đa hoá giá trị của cà phê. Hiện nay, theo các chuyên gia, phần hữu dụng trong nhân cà phê mà con người uống chỉ chiếm 0,2%, còn 99,8% đang bị chúng ta bỏ đi,… Hiện tại, một số doanh nghiệp đã làm thêm các sản phẩm như trà vỏ cà phê, trà cà phê nhưng nhiều nơi trên thế giới còn xem đây là một hoá chất sinh học, bã trồng nấm. Cần khai phá không gian 99,8% còn lại, bên cạnh giá trị giá trị gia tăng từ sản xuất cà phê, cà phê cảnh quan.

Hoàng Thuỳ

Từ khóa:  cà phê , gdp
Cùng chuyên mục
XEM