Bộ trưởng Bộ GTVT: Muốn Long Thành thu hút vốn đầu tư, quan trọng nhất là giai đoạn giải phóng mặt bằng
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, đã có rất nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm tới dự án sân bay Long Thành. Nhưng để gọi được vốn đầu tư, bắt buộc phải có sự chuẩn bị nhất định.
Trong phiên thảo luận hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành Quốc hội chiều 8/6, không có gì lạ khi hầu hết các đại biểu cho ý kiến đều quan tâm đặc biệt tới nguồn vốn phải bỏ ra. Theo dự tính được Chính phủ trình lên Quốc hội, chi phí phải bỏ ra lên tới 23.000 tỉ đồng cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 5.000ha dự án.
Đây là con số rất lớn ngân sách đầu tư trung hạn mới chỉ bố trí được khoảng 5.000 tỷ đồng, trong khi đó Nghị quyết 94 trước đó cũng đặt ra bài toán phát triển Long Thành không được để tác động mạnh tới vấn đề nợ công. Giai đoạn giải phóng mặt bằng cũng không thể huy động ODA hay tư nhân, mà chỉ có thể trông chờ từ ngân sách.
Nhiều phương án huy động vốn đã được đưa ra, trong đó bao gồm cả việc trích từ nguồn ngân sách dự phòng. Một số đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến cho rằng có thể chuyển sang giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn, tránh tình trạng giải phóng mặt bằng lãng phí những diện tích chưa sử dụng.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ GTVT, người thay mặt Chính phủ lên giải trình trước Quốc hội chiều nay, lại muốn đưa ra một góc nhìn khác.
"Với dự án sân bay Long Thành, tinh thần tiếp cận không nên chỉ là từ góc độ một cái sân bay mà là sự phát triển toàn khu vực", ông Nghĩa cho biết.
Theo người đứng đầu ngành giao thông vận tải, trước khi trình Quốc hội bàn về việc thông qua nghị quyết sân bay Long Thành, Chính phủ cũng đã bàn bạc rất kỹ.
Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt quá công suất, phục vụ 32,7 triệu khách trong năm 2016 trong khi công suất tối đa chỉ 28 triệu lượt mỗi năm. Trước tình trạng này, bộ GTVT đã triển khai hàng loạt dự án hỗ trợ, nâng cấp, tăng khả năng tiếp cận cho sân bay.
Về phương án nâng cấp Tân Sơn Nhất, bộ GTVT cũng đã có phương án mở rộng sân bay Tân sơn nhất về phía Bắc, tăng thêm 25 triệu lượt khách là không khả thi. Nguyên nhân thì có nhiều, từ chi phí giải phóng mặt bằng, ô nhiễm tiếng ồn,… đều không xử lý được.
Vì vậy, Bộ GTVT đã chọn phương án khả thi nhất là mở rộng xây thêm nhà ga T4. Tuy nhiên, đến 2019 xong nhà ga thì dự báo tới năm 2022 là đầy công suất.
"Khi sân bay Tân Sơn Nhất không thể đảm đương được, việc sân bay Long Thành ra mắt vào 2025 nên được xem là nhiệm vụ rất cấp bách. Phương án đầu tư sân bay Long thành sẽ là phương án mà chúng ta phải thực hiện, bởi nhu cầu thực sự", ông Nghĩa chia sẻ.
Về con số 23.000 tỉ đồng chi phí giả phóng mặt bằng, theo ông Nghĩa, con số này tương đương với khoảng 20% tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành. Đây cũng là giai đoạn chiếm tỉ trọng vốn Nhà nước nhiều nhất, trong những giai đoạn sau, tỉ trọng này sẽ chiếm ngày một thấp.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trên thực tế, dự án sân bay Long thành được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước quan tâm. Ở trong nước, việc đầu tư nhà ga không có gì là mới mẻ, được tư nhân quan tâm rất nhiều như sân bay ở Đà Nẵng, Nha Trang, Tân Sơn Nhất hay gần đây, sân bay Vân Đồn đã được tư nhân góp vốn đầu tư toàn bộ chứ không chỉ xây 1 hay 2 nhà ga nữa, vì vậy không có lý gì một dự án hấp dẫn như sân bay Long Thành lại kém thu hút hơn.
Tuy nhiên, "quan trọng nhất là làm tốt giai đoạn giải phóng mặt bằng, có như vậy mới tạo điều kiện cho giai đoạn 1 gọi vốn đầu tư thành công. Để gọi được vốn đầu tư thì phải có sự chuẩn bị nhất định", Bộ trưởng đánh giá.