Bò sữa Vinamilk vừa tiến thêm một bước nữa đến "Vinaxit" - thoát khỏi SCIC
Quyết định chính thức bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp SCIC dễ dàng hơn trong việc tìm nhà đầu tư mua lại số cổ phần khổng lồ tại Vinamilk, với giá trị ước tính lên tới 75.000 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) mới đây đã chính thức thông qua việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk.
Quyết định này của Vinamilk sẽ khiến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nâng lên 100%, thay vì giới hạn tại 49% như hiện nay.
Nhà đầu tư rất hào hứng với thông tin từ Vinamilk. Giá cổ phiếu VNM ngay lập tức tăng lên 144.00 đồng/cổ phiếu, cao hơn 5% so với giá tham chiếu, đồng thời VNM cũng là đầu tàu kéo toàn thị trường chứng khoán tăng điểm sau 2 phiên liên tiếp chao đảo vì sự kiện Brexit - nước Anh rời liên minh châu Âu EU.
Nhưng có lẽ, vui mừng nhất chính là các nhà đầu tư nước ngoài. Lâu nay, nhà đầu tư nước ngoài luôn thèm muốn cổ phiếu của Vinamilk, bởi lợi nhuận hấp dẫn, tài chính minh bạch, không vay nợ. Cổ phiếu VNM luôn trong tình trạng kín room, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài thường là chuyển nhượng nội bộ chứ hiếm khi thấy nhà đầu tư nước ngoài bán ra VNM.
Ngoài ra, việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài một phần nào đó giúp Vinamilk sớm chia tay với cổ đông lớn SCIC - Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước. SCIC hiện đang sở hữu 45% vốn tại Vinamilk, số cổ phiếu này có giá trị trên thị trường khoảng 75.000 tỷ đồng.
Với giá trị lớn như vậy, sẽ rất khó để SCIC chỉ bán cho các nhà đầu tư trong nước. Việc mở room nước ngoài sẽ giúp có thêm nhà đầu tư ngoại tham gia mua cổ phần từ SCIC, đẩy nhanh tiến trình thoái vốn Nhà nước.
Từ lâu, Vinamilk đã muốn chia tay với SCIC bởi sự phiền phức của cổ đông lớn này. Liên tiếp trong 2 năm 2012 và 2013, SCIC liên tục không đồng ý với phương án phát hành cổ phiếu ESOP của Vinamilk cho người lao động, trong khi tại nhiều doanh nghiệp lớn như Masan, Thế giới di động, FPT, phát hành cổ phiếu cho người lao động là một cách để giữ chân người tài, nâng cao tinh thần làm việc và quyết tâm cống hiến của nhân sự.
Mới đây, Vinamilk đã một lần nữa trình đại hội cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động nhưng lần này nghị quyết đã được thông qua, trong bối cảnh SCIC đã có thông báo sẽ thoái vốn tại Vinamilk.
Tuy nhiên, theo kế hoạch thoái vốn của SCIC, Tổng công ty này vẫn chưa có ý định bán "bò sữa" trong năm nay, đồng thời cũng chưa bán nhiều doanh nghiệp hàng đầu khác như Dược Hậu Giang, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong...