Thoái vốn 120 doanh nghiệp, nhưng SCIC vẫn giữ lại những miếng bánh ngon nhất
Năm 2016, SCIC thoái vốn 60% số doanh nghiệp mà Tổng công ty sở hữu, nhưng giá trị thoái vốn của số doanh nghiệp này chỉ chiếm 32% tổng giá trị vốn Nhà nước. Các doanh nghiệp được giữ lại đều là các doanh nghiệp có giá trị cổ phiếu cao, đồng thời trả cổ tức cao.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa chính thức công bố danh mục triển khai bán vốn năm 2016. Theo danh sách này, SCIC sẽ thoái vốn tại 120 doanh nghiệp.
Theo tính toán, tổng vốn điều lệ của 120 doanh nghiệp này là hơn 37.700 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 6.300 tỷ đồng.
Còn theo danh sách doanh nghiệp mà SCIC quản lý vốn tính đến cuối năm 2015, SCIC hiện đang nắm giữ vốn tại 197 doanh nghiệp, tổng giá trị gần 19.740 tỷ đồng.
Các con số trên cho thấy, trong năm 2016, SCIC thoái vốn 60% số doanh nghiệp, nhưng giá trị thoái vốn chỉ chiếm 32%.
Điều này có nghĩa, SCIC mới chỉ "buông" những doanh nghiệp nhỏ, trong khi vẫn giữ lại những doanh nghiệp lớn, những "con gà đẻ trứng vàng" theo cách gọi của nhiều người.
Trong danh sách 120 doanh nghiệp thoái vốn năm nay, có một số doanh nghiệp vốn lớn, như FPT, Maritime Bank, Vinaconex, Nhiệt điện Quảng Ninh, Vĩnh Sơn Sông Hinh, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Phả Lại, Gemadept...
Trong khi đó, những ông lớn trong danh sách 77 doanh nghiệp còn lại gồm: Ngân hàng Quân đội (MB), Vinamilk, Bảo Việt, Tổng công ty tái bảo hiểm quốc gia, Dược Hậu Giang, Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh... So sánh 2 nhóm doanh nghiệp lớn, có thể thấy nhóm được SCIC giữ lại vừa có giá trị cổ phiếu lớn hơn, vừa trả cổ tức cao hơn so với các doanh nghiệp thoái vốn.
Hồi cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình thoái vốn đối với 10 doanh nghiệp, và trong danh sách thoái vốn 2016 mà SCIC công bố mới chỉ có 2 cái tên xuất hiện là Sa Giang và FPT. 8 cái tên được SCIC giữ lại chính là các doanh nghiệp lớn: Vinamilk, Bảo Minh, khoáng sản Hà Giang, Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh và Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam.