Bỏ ra 1 tỷ USD để đầu tư vào tên lửa tái chế, SpaceX của Elon Musk sẽ mất bao lâu để hồi vốn?

27/06/2017 13:37 PM | Kinh doanh

Đầu tư một số tiền lớn đến như thế, chắc hẳn phải kiếm lời to lắm mới có thể bù đắp.

Tên lửa là một công cụ hỗ trợ du hành vũ trụ tuyệt vời nhưng vẫn vô cùng tốn kém, xét tới việc chúng chỉ là đồ dùng một lần.

Đa số tên lửa trở thành rác sau khi phóng thành công (nếu không thành công thì chúng sẽ thành một đống than), và đa số sẽ yên nghỉ tại đáy biển hay tại một sa mạc khô cằn nào đó, khi chúng hoàn thành nhiệm vụ và rơi xuống. Đó cũng là một trong những lý do vì sao ngành du hành vũ trụ lại cần nhiều tiền đầu tư đến vậy.

Nhưng truyền thống tốn tiền ấy đang được Elon Musk dần xóa bỏ, với việc thành lập công ty hàng không vũ trụ SpaceX với một dàn tên lửa tái chế. Những quả tên lửa ấy có tên Falcon 9, chúng có thể cất cánh, hạ cánh rồi được tái sử dụng. Elon Musk đã nhiều lần chứng minh nó có thể đáp đất thành công , và vừa mới chứng minh nó có thể được phóng lại một cách an toàn .

Đây sẽ là cuộc cách mạng quy mô lớn của ngành hàng không vũ trụ. Cần tới 15 năm để tới được thời điểm này”, Musk nói vào ngày 30 tháng 3 vừa rồi, vài phút sau khi tên lửa tái sử dụng Falcon 9 phóng thành công một vệ tinh vào quỹ đạo. Vào ngày 25 tháng 6 tới, Musk dự kiến phóng thêm một tên lửa tái sử dụng nữa.

Mục tiêu của ông là giảm thiểu chi phí lên vũ trụ xuống thấp nhất có thể, và với mục tiêu đưa người lên Sao Hỏa với một giá thành phải chăng hơn trước đây. Cho tới giờ, việc nghiên cứu và phát triển khả năng tái sử dụng tên lửa này đã tiêu tốn của SpaceX khoảng 1 tỷ USD.

Nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi rằng bao lâu thì công ty hàng không vũ trụ này có thể thu hồi vốn? Trang tin Business Insider đã cho ta một cái nhìn chi tiết hơn: họ phân tích xem tiền Musk bỏ ra có hiệu quả được như dự kiến không.

Hệ thống tên lửa chính của SpaceX là Falcon 9, mỗi chiếc có thể mang theo lượng hàng hóa bằng một chiếc xe bus lên quỹ đạo. Chi phí của một lần phóng sẽ là 62 triệu USD.

Cũng như các tên lửa thuộc lớp quỹ đạo khác (chuyên dùng để lên quỹ đạo), chiếc Falcon 9 có hai phần tên lửa đẩy đưa phần hàng hóa nằm ở đầu quả tên lửa lên không trung. Bộ phận phóng đầu tiên thường là phần lớn nhất trên cả hệ thống tên lửa.

Nhưng có một điểm khác với các tên lửa lớp quỹ đạo khác: Falcon 9 có thể đáp xuống bệ phóng hoặc xuống một xà lan trên biển, sau đó chúng có thể được tái sử dụng.

Hồi tháng Ba, Musk nói rằng bộ phận tên lửa đẩy chiếm khoảng 70% chi phi phóng tàu vũ trụ của SpaceX. Vì thế, việc sử dụng lại tên lửa sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD.

Trên tên lửa Falcon Heavy gồm 3 hệ thống phóng, chi phí tiết kiệm được sẽ còn cao hơn nữa.

SpaceX từ chối trả lời câu hỏi từ Business Insider về lợi nhuận, chi phí và tốc độ hồi vốn của khoản đầu từ 1 tỷ USD kia. Vì thế trang tin đã tự đưa ra một số tính toán dựa trên những gì SpaceX công bố.

Đây là biên bản phân tích giá phóng tàu vũ trụ của công ty đầu tư Jefferies International LLC, được công bố vào tháng Tư năm 2016.

Có một vài thông số trên bảng trên đã "quá hạn sử dụng" và bên cạnh đó, nó không cho thấy SpaceX có thể thu hồi vốn nhanh như thế nào. Giles Thorne, nhà phân tích thị trường của Jefferies và tác giả của bản báo cáo trên cũng từ chối trả lời câu hỏi của Business Insider về những thông số trên.

Vì thế, trang tin này đã tự cập nhật và mở rộng bản phân tích của Jefffries bằng thông tin từ website chính thức của SpaceX, những sự kiện mới cập nhật và những tuyên bố từ chính Elon Musk và từ Gwynne Shotwell, chủ tịch và CEO của SpaceX.

Ví dụ, Musk vừa nói rằng hệ thống đẩy lớn nhất của Falcon 9 chiếm khoảng 70% giá thành của quả tên lửa chứ không phải 75% như trong báo cáo trên. Một lần phóng tên lửa sẽ tiêu tốn 62 triệu USD chứ không phải 61,2 triệu USD.

Business Insider cũng tính toán thêm cả việc SpaceX có thể tái sử dụng phần mũi của tên lửa trị giá 6 triệu USD, bởi mới đây Musk vừa tuyên bố rằng họ có thể thu hồi và tái sử dụng chúng một cách an toàn.

"Tưởng tượng bạn để 6 triệu USD bay trên một tấm ván lên không trung và bạn chắc chắn là nó sẽ rơi xuống biển. Bạn có ra khơi để nhặt lại số tiền đó không? Chắc chắn là có", Musk trả lời phóng viên hồi tháng Ba. Thời điểm này là sau báo cáo nói trên của Jefferies một năm.

Chúng ta phải dùng thông tin từ phân tích của Jefferies, cho rằng SpaceX sẽ có được biên lợi nhuận là 40% cho mỗi lần phóng Falcon 9 theo tiêu chuẩn (tỉ lệ được tính toán bằng cách lấy tổng thu nhập doanh thu, cho biết mỗi đồng doanh thu thu về tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập). Với số 62 triệu USD mà Musk đưa ra, SpaceX sẽ thu về được 24,8 triệu USD.

Một lần nữa lại phải sử dụng ước đoán của Jefferies, cho rằng mỗi bộ phóng của tên lửa Falcon 9 sẽ có thể sử dụng được tổng cộng 15 lần (Musk thì bảo là "được khoảng chục lần" - "dozens of times").

Business Insider đưa ra 3 viễn cảnh mà SpaceX sẽ có thể gặp phải.

Đầu tiên, một lịch trình dày đặc cho SpaceX được đặt ra, rằng cứ 2 tuần thì họ phóng tàu một lần và nhờ đó khách hàng sẽ nhận được 25% phần chi phí tiết kiệm được từ việc tái sử dụng hệ thống tên lửa đẩy. Con số ấy bằng với việc khách hàng sẽ tiết kiệm 6 triệu USD từ tổng giá thành của toàn bộ quá trình phóng - tương đương với việc họ được giảm giá 10%.

Năm 2016, bà Shotwell nói rằng SpaceX sẽ giảm giá 10% cho những chuyến bay sử dụng tên lửa Falcon 9 tái sử dụng. Bà cũng nói thêm rằng thời gian để một hệ thống tên lửa được tân trang để có thể tiếp tục sử dụng là vài tháng, nhưng dần dần, SpaceX sẽ giảm thời gian ấy xuống còn tính bằng ngày.

Trong viễn cảnh này, SpaceX sẽ thu hồi vốn 1 tỷ USD trong khoảng thời gian 1 năm và 7 tháng. Nếu như tính thêm cả lịch trình phóng 5 tàu Falcon Heavy mỗi năm, mức siêu lợi nhuận sẽ còn cao nữa, và thời gian thu hồi vốn sẽ giảm đi 4 tháng.

Viễn cảnh thứ hai, khiêm tốn hơn chút. Nếu như cứ 2 tuần rưỡi, SpaceX lại phóng, và tăng số tiền khách hàng tiết kiệm được từ việc cắt giảm chi phí phóng tàu tăng lên 50%. Với viễn cảnh này, SpaceX sẽ được giữ toàn bộ chi phí giảm đi từ việc phóng Falcon 9, và khách hàng sẽ được giảm giá khoảng 20% tổng chi phí của việc phóng tàu.

Lần này, SpaceX sẽ lấy lại số vốn 1 tỷ USD trong vòng 3 năm và 2 tháng. Việc phòng tàu Falcon Heavy mỗi năm sẽ cắt đi 5 tháng khỏi tổng 38 tháng kia.

Viễn cảnh thứ ba, SpaceX chỉ phóng 3 tuần 1 lần và hào phóng cho phép khách hàng nhận được tới 2/3 giá trị tiết kiệm được từ việc phóng tàu tái chế. Lần này, khách hàng sẽ được giảm giá tới 30% tổng hóa đơn.

SpaceX sẽ thu hồi số vốn 1 tỷ trong quảng 5 năm 5 tháng trong trường hợp này. Việc phóng Falcon Heavy thường niên sẽ giảm thời gian ấy đi 9 tháng.

Tuy nhiên, những viễn cảnh này không kèm theo sự cố khi phóng - việc nổ tàu vũ trụ, hỏng bệ phóng, v.v... có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới lịch trình phóng tàu và làm khách hàng "thất vọng sâu sắc".

Và Business Insider cũng chưa tính tới những đối thủ trực tiếp với SpaceX của Elon Musk, có thể kể tới công ty tên lửa vũ trụ Blue Orgin của tỷ phú Jeff Bezos với những kế hoạch tương lai tương tự: dự kiến họ sẽ hoàn thành hệ thống tên lửa tái chế New Glenn vào năm 2020.

Và chưa hết, Business Insider cũng chưa tính tới việc các thành phần khác của tên lửa Falcon 9 cũng có thể được tái sử dụng (như phần tên lửa đẩy thứ hai).

SpaceX không tính tới những chuyện ngắn hạn, và Elon Musk dự kiến đổ tiền vào việc phát triển công nghệ có thể đưa được một triệu người Trái Đất lên Sao Hỏa định cư.

"Đây là một phần rất quan trọng trong kế hoạch chinh phục Sao Hỏa, nếu như mục tiêu của bạn không phải chỉ là một sứ mệnh viếng thăm hành tinh đó rồi thôi, mà là xây dựng một thành phố có thể tự duy trì được ngay trên bề mặt Hành Tinh Đỏ", Musk nói.

"Cần phải giảm thiểu chi phí của mỗi tấn hàng hóa lên Sao Hỏa xuống vài trăm, có khi là vài ngàn lần. Thậm chí, phải tới 10.000 lần nữa. Và khả năng tái chế sẽ là một yếu tố chủ chốt trong việc đạt được mục tiêu ấy".

Theo DINK

Cùng chuyên mục
XEM