Bộ môn thể thao giúp giảm 72% nguy cơ ung thư: Rất thân quen, là sở thích của nhiều người
Nhiều người tập thường xuyên bộ môn này nhưng lại không hề biết hoạt động của mình có thể ngăn ngừa ung thư hiệu quả đến thế.
Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư cho biết những bài tập aerobic có thể giúp giảm nguy cơ hình thành hoặc tái phát ung thư.
Tập thể dục nói chung đã được chứng minh có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Trong nghiên cứu ở trên, các nhà khoa học của Đại học Tel Aviv đã tìm hiểu cơ chế mà các bài tập aerobic ảnh hưởng đến khối u và sự phát triển của các tế bào nguy hiểm này.
Mối liên hệ giữa tập thể dục và ung thư
Sau khi xem xét dữ liệu sức khỏe của 2.734 người trong khoảng thời gian 20 năm, các nhà khoa học của Đại học Tel Aviv kết luận: Những người thường xuyên tập luyện các bộ môn aerobic cường độ cao, trong đó có chạy bộ, có nguy cơ bị ung thư di căn thấp hơn 72% so với những người ít vận động.
Trong giai đoạn 2 của nghiên cứu được thực hiện trên động vật, các nhà khoa học cũng rút ra kết luận tương tự.
Theo các nhà khoa học, việc tập aerobic khiến các cơ quan trong cơ thể tăng cường tiêu thụ glucose. Chính vì thế, các tế bào ung thư bị "bỏ đói", không có đủ "nhiên liệu" (glucose) để sinh sôi, phát triển.
GS.TS James Hicks của Đại học California (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy tập các bộ môn aerobic thường xuyên giúp thiết lập lại cách trao đổi chất liên quan tới việc sử dụng glucose".
"Việc 'tái lập trình' các mô khỏe mạnh bằng cách tập thể dục làm tăng sự cạnh tranh nhu cầu glucose (‘nhiên liệu’ chính cho các tế bào ung thư). Tuy nhiên, cũng cần xem xét thêm quá trình này có liên quan tới những thay đổi về lưu lượng máu tới các khối u hay không. Dòng máu chính là ‘phương tiện’ vận chuyển glucose đến các tế bào", GS Hicks nói thêm.
Do đó, theo vị GS này, mặc dù nghiên cứu trên đã cung cấp mối liên hệ cơ bản giữa tập luyện và sự tiến triển của bệnh ung thư, nhưng cần có thêm các nghiên cứu bổ sung để xác định tần suất tập luyện bao nhiêu để có được lợi ích tốt nhất.
Còn với bệnh nhân ung thư, tập luyện thế nào để có lợi nhất?
Những bài tập cường độ cao, chẳng hạn như chạy, có thể là dạng tập luyện lý tưởng đối với các bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, một số bài tập khác có cường độ tương tự nhưng tạo ít căng thẳng cho khớp hơn, chẳng hạn như bơi, chèo thuyền, đạp xe, cũng có tác dụng tương tự.
Việc lựa chọn các bài tập cường độ cao cần được cân nhắc dựa trên tuổi tác và các yếu tố sức khỏe khác. GS Hicks cho biết đối với những bệnh nhân ung thư, kể cả những bài tập cường độ trung bình vẫn có tác dụng bảo vệ, ngăn ngừa sự phát triển của khối u.
"Hàng trăm nghiên cứu dịch tễ học, với sự tham gia của hàng triệu người, đã đưa ra bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc tập luyện thường xuyên các bộ môn như đi bộ nhanh có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc rất nhiều bệnh ung thư", GS Hicks nói. Theo đó, việc làm này giúp giảm từ 10-20% nguy cơ mắc ung thư bàng quang, vú, đại tràng, tử cung, thực quản, thận và dạ dày.
"Các bài tập cường độ cao có thể là thách thức đối với nhiều bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, các bạn có thể thay thế bằng các bài tập có cường độ thấp hơn."
Tập thể dục - ‘liều thuốc’ cho tinh thần
Ngoài những lợi ích sức khỏe, tập thể dục còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Joy Puleo, giám đốc của một trung tâm chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, đồng thời là người sống sót sau ung thư, cho biết: "Tập thể dục có thể là cách chủ động nhất mà bệnh nhân có thể thực hiện để tiếp thêm năng lượng trong hành trình điều trị ung thư của mình".
Nữ giám đốc gợi ý mọi người có thể lựa chọn bất cứ bài tập nào mà mình yêu thích, miễn là thực hiện đều đặn.
"Hãy vận động, hãy di chuyển. Hãy chọn bất cứ bài tập nào phù hợp với bản thân, hãy biến chúng thành ‘vũ khí’ để bạn chiến đấu với bệnh tật."
Puleo nói thêm: "Đối với các bài tập aerobic, hãy đạp xe, đi bộ nhanh. Các hoạt động này không chỉ tăng nhịp tim mà còn mang lại cho bạn niềm vui thích. Còn lựa chọn của tôi? Chính là khiêu vũ."
Mặc dù vậy, khi chọn tập bất cứ bộ môn nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị, đồng thời lắng nghe các tín hiệu của bản thân để tránh những rủi ro tới sức khỏe.
Nguồn: Healthline