Bộ Lao động đề xuất sửa hàng loạt điều kiện trong gói 62 nghìn tỷ đồng

29/09/2020 21:00 PM | Xã hội

Về gói 16 nghìn tỷ đồng (thuộc gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ) cho vay với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động, qua thực tế triển khai, đến nay chưa có đơn vị nào được vay do chưa đáp ứng được các tiêu chí. Trong lần sửa đổi này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bỏ một số điều kiện.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa chính thức gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tờ trình Ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều nội dung đáng chú ý.

Mở rộng đối tượng hỗ trợ, sửa điều kiện gói 16 nghìn tỷ

Trong tờ trình, LĐ-TB&XH cho biết, sau khi lấy ý kiến các Bộ ngành như Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam..., đơn vị này đề xuất mở rộng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp động lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại “cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”.

Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tính từ ngày 1/2/2020 cho đến tháng 1/6/2020 (trước đó bắt đầu tư 1/4). Thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng.

Về gói 16 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động, qua thực tế triển khai, đến nay chưa có đơn vị nào được vay do chưa đáp ứng được các tiêu chí. Trong lần sửa đổi này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bỏ một số điều kiện.

Cụ thể, bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động", đồng thời bỏ nội dung "để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc".

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa điều kiện: "Gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc" thành “Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019”.

Ngoài ra, thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ được kéo dài  từ tháng 4 đến tháng 12/2020  thay vì đến tháng 6/ 2020 như trước đó. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá 3 tháng.

Bỏ xét duyệt hồ sơ cấp huyện, tỉnh

Về điều kiện được tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm số % lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch xuống từ 50% xuống còn 20%.

Với phương án này, theo Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến có khoảng 70% số doanh nghiệp đủ điều kiện. Trường hợp có khoảng từ 30% đến 50% số doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có khoảng từ 120 nghìn doanh nghiệp đến 200 nghìn doanh nghiệp với khoảng từ 3,2 triệu lao động đến 5,4 triệu lao động được tạm dừng đóng với số tiền được giảm từ 3.969 tỷ đồng đến 6.618 tỷ đồng/tháng.

Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bãi bỏ các thủ tục hành chính phê duyệt bởi cấp huyện và cấp tỉnh (tại Điều 14 trong Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg) chuyển sang việc doanh nghiệp trực tiếp kê khai hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hồ sơ vay vốn, người sử dụng lao động tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay vốn.

Khi nộp hồ sơ, người sử dụng lao động cung cấp bản gốc các giấy tờ như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định); Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài), Giấy ủy quyền (nếu có), văn bản thỏa thuận ngừng việc giữa người sử dụng lao động với người lao động.

Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay sẽ thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động. Việc giải ngân được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021.

Trong tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, một số nội dung đề xuất như: Mở rộng thời gian hỗ trợ cho các đối tượng ngừng việc không hưởng lương từ 1/2 đến 1/6/2020, bãi bỏ thủ tục làm hồ sơ xét duyệt cho vay vốn tại cấp huyện, tỉnh…vẫn còn một số băn khoăn, chờ Thủ tướng cho ý kiến, quyết định.

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19, vào tháng 4/2020, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.

Tính đến 15/9/2020, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các địa phương đã phê duyệt danh sách với khoảng 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được hỗ trợ (hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm…) với tổng kinh phí là trên 17.500 tỷ đồng.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước đã giải ngân 12.500 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 12,5 triệu người và 23.500 hộ kinh doanh.

Ngoài ra, trong gói 62 nghìn tỷ đồng, Bộ LĐ-TB&XH tính toán sẽ sử dụng 16 nghìn tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc cho người lao động với lãi suất ưu đãi 0%. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay do điều kiện đưa ra quá khắt khe.

Dương Hưng

Cùng chuyên mục
XEM