Bộ Công thương nói gì về giá xăng tăng cao nhất trong vòng 7 năm?

27/10/2021 15:58 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngày 26/10, liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng trong nước đã lên mức cao nhất 7 năm qua. Theo đó, Bộ Công thương đã nhận định như thế nào về lần điều chỉnh tăng giá này?

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý 3/2021, kịch bản điều hành giá quý 4/2021, đầu năm 2022. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm cũng đã gây biến động lên thị trường xăng dầu thế giới.

Theo đó, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.

Cụ thể, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10/2021 cụ thể như sau: 97,36 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 9,21 USD/thùng, tương đương tăng 10,44% so với kỳ trước); 100,38 USD/thùng xăng RON95 (tăng 10,13 USD/thùng, tương đương tăng 11,23% so với kỳ trước); 94,56 USD/thùng dầu hỏa (tăng 6,50 USD/thùng, tương đương tăng 7,39% so với kỳ trước).

 Bộ Công thương nói gì về giá xăng tăng cao nhất trong vòng 7 năm?  - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Công thương

Ở trong nước, Thứ trưởng cho biết, tình hình dịch bệnh mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn có diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.

Do đó, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính - Công thương đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá (BOG) ở mức cao, với mức chi hơn 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ BOG đối với xăng RON95 giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.

Trong khi đó, Quỹ thì chỉ có hạn và các doanh nghiệp xăng dầu như Petrolimex, PV OIL đã âm quỹ quỹ bình ổn. Ví dụ Petrolimex âm 700 tỷ đồng, PV OIL âm 200 tỷ đồng.

"Hiện nay, ta rất mong muốn là giữ được giá xăng dầu hoặc giảm là tốt nhất, còn nếu tăng thì mức tăng ít nhất. Nhưng việc điều hành vẫn phải đảm bảo phản ánh được xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới và quan trọng nhất là phải phù hợp với thực tế hiện nay là dư địa điều hành của chúng ta", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.

"Tức là chỉ có hai cách, hoặc phải tăng theo giá thế giới, hoặc phải giảm thuế", Thứ trưởng nhấn mạnh.

 Bộ Công thương nói gì về giá xăng tăng cao nhất trong vòng 7 năm?  - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Công thương

Theo báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ, hiện cơ cấu thuế đang chiếm hơn 40% giá thành sản xuất xăng dầu. Trong khi đó, các dự báo đều cho rằng, giá xăng dầu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và khả năng trong quý 4 có thể tăng lên 105-110 USD/thùng.

Thứ trưởng cho hay, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì ta cũng phải có dư địa để điều chỉnh. Còn nếu không có công cụ gì, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng đúng theo giá thế giới.

"Chúng tôi cũng khẳng định rằng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính để có thể đảm bảo làm được những gì tốt nhất trong phạm vi năng lực và tính toán xem công cụ mà chúng ta có trong tay là gì để có thể điều hành tốt nhất giá xăng dầu trong nước", Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Giang Anh

Cùng chuyên mục
XEM