Bộ Công Thương muốn lập cơ quan đặc biệt

22/07/2022 17:12 PM | Xã hội

Với chức năng theo tờ trình của Bộ Công Thương, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là mô hình cơ quan đặc biệt, duy nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp hiện nay cùng lúc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tố tụng, tài phán.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về ban hành Nghị định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ này để thay thế Nghị định 98/2017. Theo tờ trình, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có chức năng quản lý nhà nước trong 3 lĩnh vực, gồm quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh doanh đa cấp.

Theo Bộ Công Thương, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia không phải là tổ chức tương đương tổng cục và được lập trên cơ sở tổ chức lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội đồng và văn phòng Hội đồng Cạnh tranh.

Uỷ ban có bộ máy giúp việc là cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Quá trình điều tra, cơ quan này có quyền thu thập thông tin, triệu tập người làm chứng... để phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm...

Với chức năng theo tờ trình của Bộ Công Thương, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là mô hình cơ quan đặc biệt, duy nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp hiện nay cùng lúc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tố tụng, tài phán. Chủ tịch Ủy ban do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Công Thương, nhiệm kỳ 5 năm.

Tiếp tục giảm các đầu mối

Cũng theo tờ trình, Bộ Công Thương đề xuất giảm 2 còn 28 đầu mối. Bộ này dự kiến giải thể Cục Công tác phía Nam do chưa đạt các tiêu chí theo quy định, và sắp xếp lại mô hình hoạt động theo hướng là đại diện của Văn phòng Bộ tại khu vực phía Nam.

Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính & Đổi mới doanh nghiệp sẽ được hợp nhất. Các phòng thuộc Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ cũng sắp xếp lại để giảm tối đa số lượng phòng trong năm nay.

Bộ Công Thương cũng đề nghị giữ nguyên số lượng phòng tại 3 Vụ, là Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ. Mỗi đơn vị có 3 phòng.

Theo Bộ Công Thương, hằng năm đại diện các Vụ nêu trên phải tham dự rất nhiều các sự kiện đối ngoại, các cuộc họp cấp kỹ thuật cả song phương và đa phương... Việc đi họp, đi đàm phán và tiếp xúc đối ngoại với các đối tác nước ngoài yêu cầu cán bộ tham gia phải có hàm cấp, để thuận tiện cho việc đối ngoại và giữ vị thế của đoàn Việt Nam.

Ngoài ra, đây là nguồn chính cung cấp cán bộ cho các thương vụ, nhất là người đứng đầu bộ phận kinh tế, thương mại tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Vì thế, nếu không có chức danh cấp phòng, các chuyên viên được cử đi thương vụ có hàm cấp ngoại giao thấp, không có vị thế khi làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp của nước sở tại, ảnh hưởng đến phát triển thị trường và bảo vệ lợi ích của Việt Nam.

Tại thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương có 30 đơn vị đầu mối, trong đó 1 Tổng cục Quản lý thị trường, 12 Cục và 12 Vụ và các đơn vị sự nghiệp, cơ quan thương vụ. Năm 2017, Bộ này đã từng sắp xếp tinh gọn, giảm 5 đơn vị đầu mối.

Theo Phạm Tuyên

Cùng chuyên mục
XEM