BMW xin lỗi sau khi công khai chê người dùng lạc hậu

25/11/2020 08:03 AM | Kinh doanh

Cụm từ "OK, Boomer" mà BMW sử dụng mang hàm ý chỉ trích những người lớn tuổi lạc hậu, gặp khó khăn trong việc bắt kịp thời đại và không chấp nhận cái mới.

Những pha "vạ miệng" trên mạng xã hội không còn là điều quá mới mẻ trong thời buổi hiện tại, trong đó có ngành ô tô. Sự việc mới nhất là của BMW. Cụ thể, ngày 15/11, hãng xe này đã đăng lên Twitter thông tin về chiếc xe điện BMW iX vừa ra mắt với mô tả: "OK, Boomer. Có lý do nào để không thay đổi không nhỉ?".

Thời gian qua, BMW đã thay đổi thiết kế các loại xe của mình và tích cực chia sẻ hình ảnh sản phẩm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, người hâm mộ BMW dường như không hài lòng với sự chuyển hướng này.

Nhiều ý kiến cho rằng BMW đang dần mất "chất" riêng vốn có từ hàng trăm nay nay do những mẫu xe mới ra mắt của họ có thiết kế quá khác biệt. BMW đã đăng bài viết trên để đáp trả những chỉ trích đó.

Sau đó, nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Munich đã hứng chịu sự phản đối, chủ yếu của những người hâm mộ trung thành, về hướng đi của thương hiệu và ngôn ngữ mà họ sử dụng.

Đáng chú ý nhất là cụm từ "OK, Boomer" thường được giới trẻ sử dụng để phân biệt tuổi tác với nghĩa không mấy tích cực. Cụm từ này mang hàm ý chỉ trích những người lớn tuổi lạc hậu, gặp khó khăn trong việc bắt kịp thời đại và không chấp nhận cái mới. Người ta cho rằng BMW không nên sử dụng cụm từ trên bởi nó không hề thân thiện với người hâm mộ và khách hàng chút nào.

BMW xin lỗi sau khi công khai chê người dùng lạc hậu - Ảnh 1.

Pha xử lý "đi vào lòng đất" của BMW.

Hai ngày sau, công ty nhận ra sai lầm khi hứng chịu "gạch đá" từ cộng đồng mạng và đưa ra lời xin lỗi chính thức vì pha "vạ miệng" của mình.

BMW viết: "Dù bạn ở độ tuổi nào, chúng tôi vẫn lắng nghe bạn. Chúng tôi vô cùng xin lỗi và không có ý định xúc phạm bất kỳ ai bằng tiếng lóng. Hành trình bước vào kỷ nguyên mới còn nhiều chông gai nhưng chúng tôi hi vọng các bạn sẽ luôn đồng hành cùng chúng tôi".

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên BMW mắc sai lầm trên mạng xã hội. Tháng 3 vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhà sản xuất ô tô này đã sử dụng tin nhắn theo chủ đề virus corona để quảng cáo sản phẩm thông qua Twitter. Sau đó, công ty đã xóa bài đăng khi nhận phản hồi tiêu cực kèm theo lời xin lỗi.

Các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành một kênh hiệu quả để các công ty kết nối với người theo dõi. Tuy nhiên, họ cần thận trọng hơn trước khi đăng bất cứ thứ gì bởi chỉ cần mắc sai lầm, họ sẽ đẩy thương hiệu của mình vào cảnh khó xử.

Lời xin lỗi của BMW dường như đã xoa dịu được người dùng và ngăn chặn sự việc diễn biến tồi tệ hơn. Không may mắn như BMW, nhà mốt Dolce & Gabbana (D&G) đã phải trả giá đắt khi không tôn trọng người xem.

Cuối năm 2018, D&G đã tung ra một số đoạn quảng cáo gây tranh cãi. Nhân vật chính là một người mẫu diện thiết kế mới sang trọng của D&G. Cô sử dụng đũa – một công cụ dùng bữa truyền thống của Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á để trải nghiệm những món ăn như mỳ Ý, pizza và bánh cannoli.

Sẽ không có gì đáng nói nếu lời dẫn của video không được cho là có ý nghĩa kỳ thị. Thay vì nói về nét đẹp văn hóa truyền thống của Trung Quốc, đoạn quảng cáo của D&G lại nhấn mạnh vào thông điệp đôi đũa dường như quá nhỏ để sử dụng cho các món ăn phương Tây. Nó nhanh chóng bị đánh giá là thiếu tinh tế và thiếu tôn trọng phụ nữ. Ngay sau đó, D&G đã phải xóa các đoạn quảng cáo trên.

Ngoài việc bị tẩy chay trên mạng xã hội, D&G còn bị hàng loạt ngôi sao như Chương Tử Di, Huỳnh Hiểu Minh và thậm chí là cả đại sứ thương hiệu tại Trung Quốc là Địch Lệ Nhiệt ba tuyên bố "cạch mặt". Cục Văn hóa của Thượng Hải cũng quyết định hủy bỏ show diễn của nhà mốt này ngay trước giờ G. Đây có lẽ sẽ trở thành một trong những sự cố để đời trong lịch sử của D&G.

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM