Blue Point mua lại Sữa Quốc tế, Vinamilk thâu tóm Sữa Mộc Châu, Nutifood ra mắt thương hiệu Nutimilk…: Một cuộc chơi mới sắp xuất hiện trên ngành sữa?

23/08/2020 09:10 AM | Kinh doanh

Ước tính giá bán trung bình cho các SKU hiện tại sẽ không tăng trong năm 2021. Người tiêu dùng sẽ nhạy cảm hơn với giá trong giai đoạn 2020-2021. Quá trình cao cấp hóa (premiumization) của ngành sữa có thể sẽ chậm lại.

Thay đổi cấu trúc ngành sau Covid-19

Nửa đầu năm 2020, doanh nghiệp sữa ghi nhận nhiều chuyển biến lớn. Vinamilk sau thời gian dài đã chính thức nắm 75% cổ phần của CTCP GTNFoods, qua đó nắm quyền chi phối tại Sữa Mộc Châu với quy mô 25.000 con bò.

Chỉ sau thời gian ngắn thông qua quyết định, Blue Point cùng Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã hoàn tất nhận chuyển nhượng cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) từ nhóm VinaCapital, được kỳ vọng viết tiếp tham vọng tạo "thế lực" mới trên thị trường.

Chưa kể, thương hiệu mới trong nước cũng đang phát triển nhanh, như Vitadairy hay Nutifood vừa ra mắt dòng sữa tươi cùng cam kết chất lượng quốc tế.

Trong đó, dù không xuất hiện nhiều trên truyền thông, Vitadairy được biết đến là "tay chơi" đáng để tâm với xuất thân từ đội ngũ gồm những người tâm huyết trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe. Năm 2019, VitaDairy khánh thành nhà máy thứ 2 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương), vốn đầu tư 6 triệu USD với công suất lên đến 5.000 tấn/năm.

Danh mục sản phẩm của thương hiệu 15 năm tuổi này cũng khá dày, đặc biệt được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện lớn nhỏ trong ngoài nước. Từ dòng cho người cao tuổi, ốm bệnh như CaloSure, CaloSure Gold, Nepro 1, Nepro 2, Gluvita, Gluvita Gold… đến các loại sữa cung cấp năng lượng như Goatlac, Goatamil BA... Công ty cũng cung cấp sản phẩm dành cho trẻ em gồm ColosBaby, ColosBaby Gold, Vitagrow, Calokid, OGGI... Năm 2020, Vitadairy là đối tác duy nhất của Bộ Y tế trong năm hành động miễn dịch toàn quốc.

 Blue Point mua lại Sữa Quốc tế, Vinamilk thâu tóm Sữa Mộc Châu, Nutifood ra mắt thương hiệu Nutimilk…: Một cuộc chơi mới sắp xuất hiện trên ngành sữa?  - Ảnh 1.

Nutifood ra mắt thương hiệu Nutimilk - tuyên bố chất lượng nguồn sữa tươi cao vượt trội 3.5g đạm - 4.0g béo trong 100ml.

Còn Nutifood, Công ty vừa giới thiệu trang trại bò sữa NutiMilk sau 2 năm tiếp quản từ Hoàng Anh Gia Lai, tuyên bố chất lượng nguồn sữa tươi cao vượt trội 3.5g đạm - 4.0g béo trong 100ml. Với diện tích rộng trên 1.000 ha, trang trại bò sữa NutiMilk (Gia Lai) đang sở hữu 7.000 con bò sữa và bê con. Lợi thế với nhiều ký kết cùng các đối tác ngoại, được cấp Chứng nhận FDA Hoa Kỳ… ngoài thị trường nội địa, Nutifood không giấu tham vọng lấn sân thị trường EU sau Hiệp định EVFTA.

Trong báo cáo ngành mới nhất, SSI Research nhận định với những động thái gần đây, có vẻ ngành sữa đang thay đổi cấu trúc sau Covid-19. Mặc dù các thương hiệu trong nước thống lĩnh thị trường, cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài vẫn hiện hữu. Hiệp định thương mại tự do EVFTA cũng sẽ loại bỏ các mức thuế 5-20% đối với các sản phẩm sữa châu Âu trong vòng 3-5 năm tới.

Xuất khẩu sẽ trở thành nên quan trọng hơn để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Tất cả các nhà sản xuất sữa trong nước đã chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc, điều này có lợi cho các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, TH True Milk, Vinasoy, Mộc Châu Milk.

Nhu cầu từ người tiêu dùng thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19

Nhìn chung, nhu cầu các sản phẩm sữa trong nước ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, chỉ giảm 4% về giá trị so với mức giảm 7,3% trong tăng trưởng tiêu thụ hàng FMCG (Nielsen) và 3,4% tăng trưởng doanh số bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2020 (TCTK).

Trong đó, Vinamilk và Sữa Mộc Châu Milk lần lượt đạt tăng trưởng doanh thu nội địa 2,5%/9,7% - vượt trội so với ngành (ngược lại có Vinasoy giảm 6%). SSI Research cho rằng Vinamilk đã giành thêm thị phần trong thời kỳ đại dịch.

Dự báo thời gian tới, theo SSI Research, mặc dù sữa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhu cầu từ người tiêu dùng thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập của người lao động giảm 5,1% trong quý 2/2020. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng tác động đến người lao động tự do/vùng nông thôn sẽ nặng nề hơn. Ước tính giá bán trung bình cho các SKU hiện tại sẽ không tăng trong năm 2021. Người tiêu dùng sẽ nhạy cảm hơn với giá trong giai đoạn 2020-2021. Quá trình cao cấp hóa (premiumization) có thể sẽ chậm lại.

 Blue Point mua lại Sữa Quốc tế, Vinamilk thâu tóm Sữa Mộc Châu, Nutifood ra mắt thương hiệu Nutimilk…: Một cuộc chơi mới sắp xuất hiện trên ngành sữa?  - Ảnh 2.

Ở diễn biến khác, tỷ suất lợi nhuận có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi giá sữa nguyên liệu hợp lý. USDA dự báo giá sữa sẽ giảm 8,5% vào năm 2021 (USDA, tháng 7/2020). Rabobank ước tính ​​giá bột sữa nguyên kem và bột sữa tách kem tại châu Úc sẽ tiếp tục giảm theo quý từ quý 1-3/2021, khiến giá sữa trung bình giảm 10-11% trong năm 2021.

Về phân phối, kênh hiện đại (MT) tiếp tục tăng trưởng vượt kênh truyền thống. Kênh hiện đại chỉ chiếm 10-15% doanh thu của các công ty sữa. Nhận thấy xu hướng này, các công ty F&B đã và đang tích cực tăng cường thâm nhập vào kênh MT - nhưng kênh này có thể có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn do chi phí bán hàng và chiết khấu cao. Sữa là một trong Top sản phẩm có lượng mua qua các nền tảng thương mại điện tử tăng trong thời kỳ đại dịch.

Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM