Bình xét Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2022: Giảm từ 100 xuống còn 60, khảo sát kỹ lưỡng "mắt thấy, tai nghe", có kiểm toán hỗ trợ

06/10/2022 13:28 PM | Kinh doanh

Sáng ngày 06/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Hai điểm nhấn trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày 13/10 năm nay là Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” và Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

Ông Phạm Tấn Công – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI cho biết, điểm đặc biệt của hoạt động tôn vinh "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm nay nằm ở khâu đánh giá, bình chọn. Theo ông Công, hoạt động tôn vinh doanh nhân tiêu biểu năm 2022 thay đổi một cách toàn diện so với những năm trước. Số lượng doanh nhân được tôn vinh giảm về lượng (từ 100 doanh nhân còn 60 doanh nhân) nhưng tăng về chất.

Những điểm đáng chú ý trong hoạt động bình xét doanh nhân tiêu biểu năm nay

Về khâu hồ sơ, VCCI không nhận hồ sơ đề cử trực tiếp từ doanh nghiệp mà nhận từ UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan báo chí. Tổng cộng VCCI nhận được 221 bộ hồ sơ đề cử.

Hồ sơ các ứng viên năm nay được xây dựng công phu, theo mẫu mới, với nhiều thông tin chi tiết về cá nhân doanh nhân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chất lượng hồ sơ cũng cao hơn các kỳ trước, phần lớn doanh nghiệp đều có hồ sơ kiểm toán đi kèm, thể hiện tính minh bạch và quản trị ngày càng chuyên nghiệp hơn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Về các tiêu chí xét chọn, ngoài các tiêu chí về doanh thu, số lượng lao động,... thì đây là năm đầu tiên các tiêu chí về đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong xem xét, bình chọn.

Theo ông Phạm Tấn Công, những tiêu chí như chấp hành quy định về nộp thuế, đóng BHXH đầy đủ, tuân thủ pháp luật nằm trong nhóm tiêu chí về đạo đức doanh nhân, doanh nghiệp có lớn nhưng không đảm bảo tiêu chí này cũng bị loại ra.

Khi có phóng viên hỏi về việc đưa phạm trù đạo đức, vốn là tiêu chí khó lượng hóa và đánh giá thì VCCI sẽ cụ thể hóa thành những tiêu chí như thế nào, ông Công cho biết "Chấm doanh nhân là chấm con người, quan trọng nhất là đạo đức".

VCCI đã cố gắng tiêu chí hóa đạo đức doanh nhân và vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Khi đi phỏng vấn có bộ câu hỏi gần 100 câu cho các đoàn thẩm định như ứng xử với đối tác, người lao động, đối thủ cạnh tranh như thế nào?

Việc đánh giá được thực hiện chủ yếu qua phỏng vấn, chẳng hạn, đưa ra những câu hỏi Doanh nhân đánh giá như thế nào về câu chuyện của bên A, bên B... để họ bày tỏ quan điểm hoặc đặt câu hỏi về chính những vấn đề của doanh nghiệp họ.

Bình xét Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2022: Giảm từ 100 xuống còn 60, khảo sát kỹ lưỡng "mắt thấy, tai nghe, tay sờ", có kiểm toán hỗ trợ - Ảnh 1.

Hình ảnh VCCI

Về khâu thẩm định, việc đánh giá hồ sơ do Ban thư ký thực hiện, có sự tham gia của các chuyên gia của Công ty kiểm toán Deloitte. Việc khảo sát thực tế doanh nghiệp, phỏng vấn, đánh giá trực tiếp các ứng viên do 22 đoàn thẩm định, dẫn đầu bởi các nhà quản lý, các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực doanh nghiệp.

Qua vòng sơ tuyển có 90 đề cử được chọn lựa đưa vào danh sách thẩm định thực tế, các đoàn thẩm định đã đi 25 tỉnh, thành phố để tiến hành thẩm định trực tiếp tại doanh nghiệp. Như ông Công phát biểu, đó là "mắt thấy, tai nghe, tay sờ" trực tiếp tại doanh nghiệp. Hồ sơ tài chính gốc cũng được yêu cầu cung cấp để đối chiếu với hồ sơ cung cấp trước đó. Nhà xưởng, máy móc thiết bị hay những khu vực như bếp ăn công nhân,... cũng được đoàn thẩm định kiểm tra trực tiếp.

Song song, VCCI cũng phối hợp với Tổng cục Thuế tiến hành rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp đồng thời rà soát các thông tin, dư luận phản ánh trên báo chí, trên mạng Internet liên quan đến ứng viên và doanh nghiệp để tham khảo.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá của Hội đồng bình xét đã đưa ra danh sách 60 ứng viên đạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022. Ban Chỉ đạo quốc gia bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng đã họp thông qua kết quả của Hội đồng bình xét.

Trong số 60 doanh nhân tiêu biểu, có 10 người đạt danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam” năm 2022 (TOP 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu).

Đây là năm đầu tiên trong bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” có vinh danh TOP 10 doanh nhân tiêu biểu nhất, tổng hợp doanh nghiệp của các doanh nhân TOP 10 trung bình hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 24.000 tỷ đồng, có doanh thu trên 140.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 94.000 lao động trực tiếp.

Các doanh nhân này có độ tuổi phong phú, từ trẻ nhất sinh năm 1988 (34 tuổi) đến cao tuổi nhất sinh năm 1940, năm nay đã 82 tuổi; có 15 doanh nhân nữ, chiếm 25%.

Để truyền cảm hứng và nhân rộng các gương “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, VCCI sẽ cho xuất bản bộ sách những câu chuyện hay về các doanh nhân tiêu biểu, qua đó vừa khuyến khích các doanh nhân khác và thế hệ trẻ noi theo, vừa góp phần từng bước xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh Việt Nam qua những tấm gương thực tế.

Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” là danh hiệu cao quý quốc gia được trao tặng cho các doanh nhân tiêu biểu Việt Nam, là hoạt động tôn vinh doanh nhân do VCCI tổ chức theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Những doanh nghiệp đã đạt được danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu trong năm 2019 như Bà Lê Thị Bình – TGĐ Công ty Dược phẩm Tâm Bình; ông Trần Trung Hưng – Tổng giám đốc Viettel Post; ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Tập đoàn T&T; ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombanh; bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG…

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM