Biết lý do Elon Musk bỏ học Stanford chỉ sau 2 ngày mới hiểu vì sao ông thành người giàu nhất hành tinh
Sau khi lấy hai bằng cử nhân, Elon Musk theo học Tiến sĩ, ngành vật lý tại Stanford ở tuổi 24.
Elon Musk là cái tên không còn xa lạ với phần lớn chúng ta. Ông hiện là người giàu nhất hành tinh với khối tài sản trị giá 225 tỷ USD. Trong suốt nhiều năm qua, Elon Musk đã trở nên nổi tiếng nhờ nhiều lựa chọn nghề nghiệp và cuộc sống khác thường của mình.
Và một trong số những lựa chọn táo bạo nhất của ông chủ Tesla diễn ra năm 1995, khi ông bỏ dở việc học tại Đại học Stanford danh tiếng chỉ sau 2 ngày.
Sau khi lấy hai bằng cử nhân, một trong đó là của Đại học Pennsylvania, Elon Musk theo học Tiến sĩ, ngành vật lý tại Stanford ở tuổi 24. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày ngắn ngủi, ông thay đổi quyết định và bỏ học.
Theo Fortune, nguyên nhân là ở thời điểm đó, Elon Musk đã bắt đầu tìm hiểu và nhận ra Internet có tiềm năng tác động đến thế giới nhiều hơn các nghiên cứu về vật lý. Chính vì thế, dù muốn theo đuổi ngành khoa học vốn là đam mê từ nhỏ, Elon Musk vẫn quyết định chuyển hướng sang Internet.
Trong một cuốn sách viết về Elon Musk, tác giả Ashlee Vance viết rằng Musk muốn tận dụng sự bùng nổ của Internet và ông đã thuyết phục em trai Kimbal Musk chuyển đến Thung lũng Silicon để khởi nghiệp.
Tại đây, Musk thành lập công ty đầu tiên – Zip2 rồi bán nó với giá hơn 300 triệu USD chỉ sau 4 năm.
Kể về tuổi thơ của Elon Musk, bà Maye Musk – mẹ của vị tỷ phú, cho biết Elon Musk là một đứa trẻ hiểu chuyện sớm và nhanh hơn bạn bè cùng trang lứa. Ông đã tự học lập trình từ năm 9 tuổi và tạo ra trò chơi điện tử đầu tiên ở tuổi 12.
Năm 17 tuổi, Elon Musk tham gia một kỳ thi năng khiếu lập trình máy tính cấp đại học và các giám khảo thậm chí đã yêu cầu ông phải thi lại vì chưa bao giờ thấy điểm số cao như vậy.
Sau này, ngay cả khi kiếm được khoản tiền khổng lồ từ việc bán Zip2, Elon Musk vẫn tiếp tục chinh phục thế giới công nghệ bằng nhiều dự án đầy tham vọng. Sau thương vụ Zip2, ông dành phần lớn số tiền kiếm được để thành lập một công ty khác mang tên X.com (sau này là cổng thanh toán PayPal). Doanh nhân này chưa bao giờ ngần ngại đầu tư lượng lớn tài sản để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
Năm 2002, khi PayPal IPO với mức định giá 1,5 tỷ USD, Elon Musk lại có thêm nhiều tiền để tham gia vào cuộc chơi mới. Năm 2003, ông thành lập SpaceX, 1 năm sau gia nhập Tesla và nắm giữ vai trò điều hành cho đến nay.
Ảnh: Internet.
Có thể nói, Elon Musk đã cách mạng hóa ngành công nghiệp xe điện với Tesla cũng như làm nên lịch sử với SpaceX. Ngoài ra, Neuralink - startup về cấy chip vào não người của ông cũng gây chú ý khi tuyên bố có thể đem lại khả năng chữa nhiều bệnh, từ tâm thần đến bại liệt.
Elon Musk không phải "thiên tài" duy nhất quyết định bỏ dở việc học. Nhiều tỷ phú công nghệ nổi tiếng khác cũng làm như vậy, bao gồm Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Michael Dell. Tuy nhiên, Elon Musk có phần đặc biệt hơn vì ông bỏ dở khi học lên Tiến sĩ.
Trường học quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất trong sự nghiệp của nhiều người, trong đó có Elon Musk. Thay vào đó, ông học từ trải nghiệm thực tế. Sau này khi trở thành ông chủ, Musk cũng không yêu cầu tất cả ứng viên phải có bằng đại học mà chỉ cần họ đáp ứng được tiêu chí như sáng tạo, có khả năng giải quyết vấn đề.
Nguồn: Fortune