Biết là rất bẩn và mất vệ sinh, nhưng tại sao chúng ta cứ làm hành động này khi căng thẳng, lo lắng?

15/07/2017 12:43 PM | Công nghệ

20-30% dân số thế giới có thói quen cắn móng tay. Họ làm việc này trong vô thức vì không ai biết được mình làm như thế từ bao giờ và vì sao.

Các thống kê chỉ ra rằng, có đến 20-30% dân số thế giới mắc tật cắn móng tay. Đặc biệt, ở lứa tuổi thanh thiếu niên thì lên đến 45%. Dù các nhà khoa học và các chuyên gia tâm lý đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu nhưng chưa thể đưa ra lời giải thích đích đáng cho những trường hợp này.

Về cơ bản, cắn móng tay được cho là một dấu hiệu khi căng thẳng hay lo lắng, nhưng trên nghiên cứu thì không hoàn toàn như thế. Một số người cắn móng tay, chỉ vì họ đang cảm thấy buồn chán, thất vọng hoặc đói. Dù đây được xem là một hành động "mất điểm", nhưng đó đã trở thành thói quen giúp nhiều người bình tĩnh hơn.

Tracy Foose, Giáo sư Tâm lý học thuộc trường Y khoa UCSF cũng là một người nghiện cắn móng tay đã từng chia sẻ: "Mỗi khi tôi cắn móng tay, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn, cảm giác thư giãn đến lạ thường".

Giáo sư Foose còn cho biết, lý thuyết của việc cắn móng tay có liên quan đến cảm xúc được dựa trên thói quen sống của một số động vật. Cụ thể là trong các thí nghiệm trên loài chuột, nếu chúng được tiêm chất chất endorphins (một chất gây tê, giúp làm giảm nhận thức về cơn đau) chúng sẽ bớt run rẩy hay ít bị kích động hơn.

Ngay sau đó, các chuyên gia đã tiêm cho chủng loại thuốc có tác dụng ngăn chặn chất endorphins, thì hiện tượng xảy ra là các con chuột dường như quay lại với bản năng của chúng, liên tục di chuyển trong lồng.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, tật cắn móng tay cũng như chất "endorphins" với loài chuột, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, thậm chí con giúp chúng ta suy nghĩ thấu đáo hơn. Điều này đưa ra một lí do hợp lí cho việc chúng ta thường cắn móng tay trong những tình huống căng thẳng hay khi giải quyết công việc khó khăn.

Theo chiều hướng khác, vị giáo sư tâm lý Kleron O’Connor thuộc đại học Montreal lại cho rằng những người cắn móng tay thường thuộc tuýp người cầu toàn.

Họ là những người cầu toàn nên khi những kế hoạch, dự án, công việc chưa được như mong muốn, họ thường cắn móng tay để làm dịu sự khó chịu, buồn chán.

Về mặt y học, giáo sư da liễu Shari Lipner lại không nghĩ vậy. Bà cho rằng, những người cắn móng tay chỉ đơn giản là do di truyền những gen xấu mà mắc phải.

Các nghiên cứu cho thấy 1/3 số người cắn móng tay bị di truyền từ gia đình và đặc biệt là với các cặp song sinh, có đến 80% các cặp song sinh đều mắc chứng này.

Lưu ý rằng, tật cắn móng tay có thể "chữa" nếu chúng ta ý thức được khi còn trẻ. Đó là lúc vỏ não đang phát triển, nếu kịp thời có những nhắc nhở từ gia đình, chúng ta có thể hoàn toàn loại bỏ tật xấu này.

Năm 2012, Hiệp hội Tâm thần Mỹ còn "lý thuyết hóa" vấn đề khi đưa hành động cắn móng tay và vò tóc vào danh sách những bệnh tâm lý do ám ảnh. Nhưng sau đó, vì quá nhiều phản đối từ phía các chuyên gia tâm lý nên luật này đã bị bãi bỏ.

Giáo sư Foose cũng lên tiếng phản đối: "Đối với một chuyên gia như tôi, việc quyết định đưa hành động cắn móng tay danh sách các bệnh rối loạn tâm lý là quá đáng".

"Tôi thực sự không cho đó là một bệnh tâm lý, nó chẳng phù hợp với bất kì tiêu chí nào cả", Giáo sư O’Connor quả quyết phản đối của Hội.

Nhìn chung, dù cho có những ảnh hưởng tốt về tâm lý, thì về mặt y học, cắn móng tay vẫn là một tật xấu nên từ bỏ. Các nhà khoa học cho rằng, hành động này mang lại quá nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe, từ hàm răng, đến bộ hàm hay kể cả đường tiêu hóa của bạn.

Theo thống kê, những người nghiện cắn móng tay sẽ phải bỏ ra hơn 4.000 USD để chi trả cho bác sĩ nha khoa trong suốt cuộc đời họ. Chưa kể đến việc mất vệ sinh còn làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi chúng ta cắn móng tay, những vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cơ thể gây nên các bệnh về đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy.

"Móng tay là nơi tuyệt vời cho các vi khuẩn xâm nhập. Dù biết nhưng tôi chẳng kiểm soát được hành động của mình", Giáo sư Foose cũng phải đồng tình.

Bên cạnh đó, thì miệng chúng ta cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn, cũng có thể gây ngược lại các bệnh nhiễm trùng da. "Cắn móng tay là bạn đang để hai nơi bẩn nhất trên cơ thể có cơ hội gây bệnh cho nhau", Lipner khá gay gắt về vấn đề này.

Chuyên gia này đưa ra lời khuyên, thay vì cắn móng tay, đọc 1 cuốn sách hay nghe một bài nhạc cũng là những cách để giải tỏa áp lực. Còn nếu căng thẳng trong giờ làm việc, hãy thử vươn vai và nhâm nhi một li trà nóng, bạn cũng cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn đấy!

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM