Biết được 4 sự thật này, cuộc sống chắc chắn chỉ có tốt lên, tiền bạc có hay không cũng không quan trọng!
Chúng ta đôi khi phải đối mặt với những sự thật vô cùng khắc nghiệt để tìm ra cách giải quyết, nhưng có như vậy thì mới trở thành một con người tốt hơn được.
- Cuộc sống luôn đầy rẫy những khó khăn, thử thách. Đương đầu với những khó khăn ấy không hề đơn giản mà luôn đòi hỏi con người phải vô cùng bản lĩnh. Để rồi khi đã vượt qua được vô vàn những chông gai, ta sẽ đạt được hạnh phúc thực sự.
- Những chông gai ấy có thể là chính những sự thật mà ai cũng biết, đơn giản như việc không ai có thể tồn tại vĩnh viễn hay không phải tất cả mọi người đều có thể khiến bạn hài lòng… Nhưng thừa nhận sự thật ấy và hiểu nó để sống sao cho "đáng" thì không dễ dàng gì.
- Trên thực tế luôn có những việc ta từng trải qua mà để lại đằng sau đó lại là những cảm xúc tiêu cực. Ta chỉ ước gì có thể khắc phục, sửa chữa chúng ngay tại thời điểm đó nhưng đó là việc không thể. Thay vì dằn vặt bản thân, hãy thừa nhận 4 sự thật "phũ phàng" dưới đây để những ý nghĩ tiêu cực không còn xuất hiện một cách vô cớ nữa.
"Thuốc đắng dã tật – Sự thật mất lòng". Hãy xem xét kĩ sự việc, tìm ra từ những câu chuyện không mấy tốt đẹp ấy những khía cạnh khác để biến chúng thành bàn đạp giúp ta trở nên tốt đẹp hơn.
SỰ THẬT THỨ NHẤT: BẠN SẼ PHẢI CHẾT
Chúng ta đều biết điều đó, ai cũng biết rằng mình sẽ phải chết. Nhưng hầu hết chúng ta đều sống như thể sẽ luôn có một ngày khác, qua ngày hôm nay sẽ luôn có ngày mai. Chính tư duy ấy khiến con người chúng ta luôn luôn cảm thấy sợ hãi khi phải nghĩ về cái chết.
Tuy nhiên, nhiều nhà tư tưởng vĩ đại (bao gồm Stoics và cả các võ sĩ samurai) lại có niềm tin mãnh liệt về một cuốc sống tốt đẹp hơn khi con người nhận thức được về cái chết. Điều này không còn dựa vào yếu tố tâm linh nữa mà đã được các nhà khoa học đồng tình. Cụ thể như tờ Science Daily đưa tin:
"Suy nghĩ về cái chết thực sự là một điều tốt vì nó không chỉ cải thiện sức mạnh về thể chất mà còn tạo động lực giúp chúng ta cố gắng hoàn thành những mục tiêu đề ra trước đó".
Hãy thử tưởng tượng xem, nếu không có cái thứ gọi là "deadline" thì liệu bạn sẽ hoàn thành được bao nhiêu công việc, chắc hẳn là rất ít. Cái chết cũng vậy, nó là giới hạn thời gian của mỗi con người, nếu không có nó thì có lẽ mọi thứ sẽ bị trì hoãn mãi mãi. Vậy nên có thể thấy, sự giới hạn không còn là một điều khiến chúng ta cảm thấy khó chịu nữa, đặc biệt là giới hạn thời gian, nó sẽ giúp chúng ta tập trung hơn và luôn hết mình trong cuộc sống.
Nhưng trên thực tế, con người hầu như không mấy quan tâm đến cái chết của bản thân khi họ vẫn còn đang sống khỏe mạnh vì họ đâu có có cơ hội trải qua để mà biết, mà cảm nhận. Chính vì thế, chúng ta đang tự làm mất đi của chúng ta những điều ý nghĩa nhất trên cuộc đời, người thân, bạn bè, cơ hội và cả niềm vui. Chúng ta lờ đi cái chết, coi nó như một thứ quà "xa xỉ" của Thần Chết để rồi khi thời gian trôi qua, ta lại cảm thấy tiếc nuối vì đã không hết mình. Điều đó thực sự còn đáng sợ hơn cả cái chết.
Karl Pillemer tại Đại học Cornell đã thực hiện một nghiên cứu đối với 1200 người trong độ tuổi từ 70 đến trên 100. Gần như tất cả đều cho rằng: "Cuộc sống thật là ngắn ngủi" và họ muốn gửi gắm điều này đến tất cả những người trẻ tuổi, không phải để sợ hãi hay thất vọng mà là để trân trọng thời gian và làm nhiều điều có ích hơn. Khi càng già đi, chúng ta càng nhận thức được rõ hơn về sự cạn kiệt của thời gian. Nhưng thay vì cảm thấy chán nản, chúng ta cần phải biết sử dụng nó cho những điều ý nghĩa nhất.
Tuy nhiên vẫn có thể nói rằng, cuộc sống có ngắn ngủi thật hay không đều là do chúng ta cả. Cuộc đời sẽ thật ngắn nếu ta lãng phí quá nhiều thời gian để làm những việc vô ích và chìm trong tiếc nuối. Trái lại, cuộc đời vẫn đủ dài để ta dành dụm thời gian làm những việc nhỏ nhặt nhất mà lại vô cùng ý nghĩa.
Vậy để tiết kiệm được thời gian, chúng ta nên làm gì? Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng. Nếu không may bạn bị ung thư giai đoạn cuối, hãy cứ nghĩ rằng bạn sắp sửa phải khởi hành cho một chuyến đi xa và phải rời khỏi công việc của mình, bạn bè, gia đình và cuộc sống. Khi ta đã chuẩn bị cho một kết thúc, mọi thứ sẽ được trân trọng hơn. Sẽ không còn những đau đớn, nỗi buồn và cả những xót xa mà trái lại, từng giây từng phút trên thế gian này ngày càng trở nên ý nghĩa và phong phú hơn.
SỰ THẬT THỨ HAI: ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU MÌNH MUỐN, CHĂM CHỈ THÔI LÀ CHƯA ĐỦ
Nếu đã từng đọc cuốn "Những kẻ xuất chúng" của Malcolm Gladwell, chắc hẳn bạn đã biết tới "quy tắc 10000 giờ" mà tác giả đưa ra: Để trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần phải trải qua 10000 giờ luyện tập. Sau khi cuốn sách được xuất bản, nó đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều về "con số kì diệu" ấy.
Nhiều ý kiến cho rằng con số ấy không chính xác. Họ đã chỉ ra rằng không phải tất cả các lĩnh vực đều có thể trở nên thành công mà chỉ có luyện tập, nó còn cần đến nhiều yếu tố khác nữa như tài năng thiên bẩm, trí thông minh, tính cách… Dẫu biết rằng con người nhìn chung không trở nên giỏi khi không luyện tập, nhưng chỉ luyện tập thôi là không đủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều người đã rất nỗ lực trong lĩnh vực của họ nhưng vẫn không trở nên xuất sắc.
Một yếu tố khác vô cùng quan trọng trong việc quyết định thành công của bạn là đam mê. Nếu đã đam mê, hãy cứ làm việc hết sức, bạn càng chăm chỉ thì sẽ gặt hái được càng nhiều và thậm chí bạn càng sống được lâu hơn. Tại sao lại như vậy? Khi tần suất làm việc càng cao thì đồng nghĩa với việc xuất hiện càng nhiều áp lực, lo âu.
Nhưng chúng ta lo lắng vì điều gì? Hãy thử tưởng tượng xem, nếu đó không phải là vì những điều quan trọng trong cuộc đời của chúng ta thì có đáng để quan tâm không. Đúng vậy, chúng ta luôn cảm thấy bị áp lực, luôn lo âu là để cố gắng trao đi và dành những điều tốt đẹp, ý nghĩa nhất cho những người, những sự kiện quan trọng đối với chúng ta.
Để rồi lúc về già, khi nhìn lại, bạn sẽ cảm thấy hài lòng về những nỗ lực khi còn trẻ và cuộc sống khi ấy càng ý nghĩa biết bao, từ đó mà sức sống cũng trở nên mãnh liệt hơn.
Nhưng nếu bạn vẫn chưa tìm thấy đam mê của bản thân, hãy tự tạo ra nó bằng cách thử sức mình qua nhiều công việc cho đến khi tìm được công việc mình thích hoặc giỏi. Có như vậy thì mới hết lòng vì công việc được.
SỰ THẬT THỨ BA: CUỘC SỐNG KHÔNG CHỈ ĐƯỢC VẼ NÊN BỞI MÀU HỒNG CỦA SỰ HẠNH PHÚC
Trong cuộc đời mỗi người có biết bao nhiêu ước muốn: "Nếu tôi có thật nhiều tiền, tôi sẽ hạnh phúc mãi mãi", "Nếu tôi được thăng chức, tôi sẽ…", "Nếu trở thành…". Nhưng nếu chỉ ngồi đó ước và hưởng thụ thì đâu còn những thứ gọi là cố gắng hay động lực nữa.
Cuộc đời vốn dĩ không chỉ có niềm vui mà còn có cả những buồn đau, chán nản và cả những cảm xúc tiêu cực khác. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng cuộc đời của một ai đó sẽ có ngày bị bao trùm bởi một màu xám xịt hoàn toàn.
Dẫu biết rằng sẽ có những lúc ta cảm thấy gần như sụp đổ, hãy chấp nhận những khoảnh khắc đau buồn ấy, đừng chỉ ở đó và mong một phép màu có thể giải quyết mọi chuyện. Chấp nhận nó, đứng dậy và tự tạo nên những màu sắc khác tươi sáng hơn cho cuộc đời mình. Nếu quá khó khăn, hãy tự đi tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh mình.
Không hạnh phúc mãi mãi cũng không sao. Bạn cũng cần những đau buồn, tiếc nuối… để trưởng thành hơn. Hãy tự cảm thấy hài lòng với những gì mình hiện có và tiến từng bước vững chãi trên con đường tới tương lai.
SỰ THẬT CUỐI CÙNG: BẤT KÌ AI CŨNG CÓ THỂ LÀM BẠN THẤT VỌNG
Bạn có chắc rằng tất cả những bí mật mà bạn kể cho những người bạn thân của mình đều được họ giữ kín không? Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng 60% số người được hỏi đều thừa nhận đã từng tiết lộ bí mật của bạn thân mình cho một người thứ ba và có một phần tư số người khác đã từng chia sẻ bí mật của bạn thân cho ít nhất là ba người nữa.
Vậy làm cách nào để có thể bảo đảm được những bí mật của mình không bị lộ ra ngoài? Rõ ràng rằng chúng ta không nên đặt quá nhiều niềm tin vào một ai đó cũng như đừng quá dựa dẫm hay thân thiết quá mức với họ vì chính những người ấy có thể là phương tiện để thông tin mật của mình bị tuồn ra ngoài.
Tuy nhiên, muốn đi cùng với nhau trên con đường dài lại đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau từ hai phía, trong bất kể lĩnh vực nào, kể cả tình yêu hay là công việc. Sự tin tưởng lẫn nhau có thể đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc. Mặc dù sẽ có những nỗi thất vọng, nhưng sự tin tưởng và cùng với đó là sự tha thứ sẽ khiến cho mối quan hệ và công việc tiến triển tốt hơn.
Không có ai là hoàn hảo cả. Bất cứ ai cũng có thể làm bạn khó chịu, thất vọng nhưng chính họ lại là khởi nguồn của những niềm vui, hạnh phúc sau này. Hãy học cách tự đứng dậy và rút kinh nghiệm cho bản thân từ những lần vấp ngã của chính mình.
Kết lại, cuộc sống vốn dĩ vô cùng nhiều thách thức. Hãy chấp nhận rằng thế giới mà mình đang sống không phải thế giới trong bất kì câu chuyện cổ tích nào mà trái lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Những người trải qua càng nhiều khó khăn, biến cố thì lại càng mạnh mẽ hơn. Khó khăn giúp ta trở nên bản lĩnh hơn trước những sóng gió của cuộc đời. Chúng ta đôi khi phải đối mặt với những sự thật vô cùng khắc nghiệt để tìm ra cách giải quyết, nhưng có như vậy thì mới trở thành một con người tốt hơn được.