Biết con lấy trộm đồ trong nhà hàng, người mẹ đã làm 1 việc khiến cậu bé tự nguyện sửa sai

24/04/2018 20:00 PM | Sống

Khi đang gọi điện trên phố, tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa người mẹ trẻ và cậu con trai. Cách dạy con của cô ấy khiến tôi vô cùng thán phục.

"Mẹ uống hết sữa chua của con, con có ấm ức không?"

"Có ạ." - Cậu con trai gạt nước mắt.

"Con rút hết giấy vệ sinh trong nhà hàng. Quản lý ở đó biết chuyện sẽ trách cứ, còn có thể trừ lương cô dọn vệ sinh. Cô ấy có ấm ức không?"

"Có ạ." - Cậu bé không dám nhìn mẹ, má đã đỏ bừng.

Lúc này mẹ cậu bé lấy một chai sữa chua từ phía sau ra giống như làm ảo thuật. "Mẹ không nên uống hết sữa chua khi chưa hỏi qua con. Mẹ xin lỗi con và mua đền con một chai mới. Nhưng nỗi ấm ức của cô dọn vệ sinh thì phải làm thế nào?

"Mẹ, con cũng không biết nên làm thế nào?" Con trai biết sai, tay vân vê vạt áo.

"Mẹ tin con có thể nghĩ ra cách. Con thử xem nhé?"

Bé nghiêm túc ngẫm nghĩ rất lâu. "Mẹ, con nghĩ ra rồi. Con sẽ đem chiếc kẹo mút mà con thích nhất tặng cho họ được không?"

Ánh mắt của người mẹ có chút do dự, rõ ràng đây không phải là cách xin lỗi thích hợp. Nhưng có thể là vì muốn ủng hộ con, cô vẫn dẫn cậu bé vào cửa hàng tiện lợi mua một túi kẹo mút lớn.

Biết con lấy trộm đồ trong nhà hàng, người mẹ đã làm 1 việc khiến cậu bé tự nguyện sửa sai - Ảnh 1.

"Vậy thì mẹ đợi con ở bên ngoài. Nếu kẹo mút không được, mẹ có thể đền tiền giúp con. Cố lên nhé." Cậu con trai gật đầu.

Bởi tò mò nên tôi đã đi theo cậu bé vào nhà hàng.

Vì khi đó là giờ ăn tối nên trong nhà hàng có rất nhiều người, nhân viên phục vụ cũng rất bận. Tiếng của cậu bé bị những âm thanh hỗn tạp trong nhà hàng át đi, chẳng ai nhận gói kẹo mút trên tay mình, cậu cuống quá khóc òa lên.

Người mẹ đó chỉ đứng ngoài cửa lặng lẽ nhìn, cũng không có ý định vào giúp. Cô cho rằng, lỗi do con tự gây ra, con sẽ phải chịu trách nhiệm đến cùng.

Thấy cậu bé khóc, quản lý nhà hàng đi đến hỏi với giọng rất thân thiện: "Cháu bé, cháu sao thế?"

"Chú ơi, vừa rồi cháu đã rút hết giấy vệ sinh trong toilet của nhà hàng bỏ vào ba lô." Cậu mở chiếc ba lô nhỏ đựng đến hơn một nửa là giấy vệ sinh ra. Anh ấy hết sức ngạc nhiên nhưng lại không biết xử lý thế nào.

"Giờ cháu biết sai rồi. Xin chú đừng trách cô dọn vệ sinh. Mẹ cháu nói cô ấy sẽ rất ấm ức. Cháu đã nhờ mẹ mua một gói kẹo mút, là loại cháu thích nhất, để xin lỗi các cô chú được không ạ? Mẹ cháu nói có thể đền tiền ạ…"

Nhìn thấy người phụ nữ đứng ngoài cửa, anh đã hiểu ra mọi việc.

Anh ngồi thấp xuống nói: "Được rồi. Cô chú chấp nhận lời xin lỗi và đồng ý tha thứ cho cháu. Có điều lần sau không được lấy nhiều giấy vệ sinh thế nữa nhé."

Bé trai như thoát được gánh nặng, liền cảm ơn người quản lý đó rồi cười toe toét chạy ra với mẹ: "Mẹ ơi, con sẽ trả tiền mua kẹo mút ạ…"

Biết con lấy trộm đồ trong nhà hàng, người mẹ đã làm 1 việc khiến cậu bé tự nguyện sửa sai - Ảnh 2.

Có câu nói rất hay: "Tố chất của người mẹ quyết định đứa con có thành công hay không, tính cách của người mẹ quyết định đứa con có xuất sắc hay không?"

Trong quá trình trưởng thành, bé sẽ gặp phải các vấn đề khác nhau. Có lúc chúng rất dễ bị tổn thương, có lúc lại rất dễ nhầm lẫn, mẹ chính là người chỉ dẫn cho con, chỉ cho trẻ phương hướng chính xác.

Khi con mắc sai lầm, cách giáo dục của không ít gia đình chỉ là trách mắng trẻ, bắt bé lần sau không được tái phạm nhưng lại bỏ qua chuyện bắt con tự chịu trách nhiệm trước sai lầm của mình.

Điểm hay trong cách làm của người mẹ ở câu chuyện trên là:

Thứ nhất, cô đã giúp con ý thức được lỗi lầm.

Thứ hai, khuyến khích bé tự quyết định cách sửa chữa, sau đó giao trách nhiệm sửa chữa đó cho cậu bé.

Bằng cách này, con không chỉ sửa được tật xấu, còn biết chịu trách nhiệm, học được cách tiếp xúc với người lạ. Rõ ràng, chúng ta không thể không thừa nhận đây là một cách giáo dục tuyệt vời.

Theo Hồng Ánh

Cùng chuyên mục
XEM