Biến tướng Bitcoin: Tham giàu nhanh, nhiều người sập bẫy "đa cấp tiền ảo" mà không hay

26/09/2017 08:39 AM | Kinh doanh

Nhiều người đã sập bẫy đa cấp, "tiền mất tật mang" chỉ vì tin vào khoản lợi nhuận hấp dẫn mà chủ các sàn giao dịch tiền ảo hứa hẹn mỗi tháng.

Thời gian qua, dư luận Việt Nam cũng như trên thế giới liên tục nóng lên trước thông tin đồng Bitcoin đạt đỉnh. Ra đời năm 2010, đồng tiền này ban đầu có giá trị khoảng 1/4 Cent (1USD = 100 Cent) nhưng tăng dần lên 1.000, 2.000 hay thậm chí hơn 5.000 USD vào những ngày đầu tháng 9.

Lợi dụng xu hướng bitcoin đang lên, nhiều đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo những người dân cả tin vào mạng lưới kinh doanh tiền ảo với lời hứa hẹn “lãi suất cao”, “giàu nhanh”…nhưng thực tế, đây chỉ là mô hình lừa đảo theo kiểu đa cấp.

Chị Lan, nhân viên văn phòng tại một công ty có trụ sở trên đường Giảng Võ (Hà Nội) cho biết tháng 7 năm ngoái, chị được một đồng nghiệp rủ tham gia vào sàn giao dịch tiền ảo có tên BKD. Mỗi người chơi sẽ đăng ký tài khoản qua trang web bkd.org và bỏ ra tối thiểu 14 triệu đồng để sở hữu 1 đồng Bitcoin tại thời điểm đó.

Mô hình này hấp dẫn ở chỗ những người chơi như chị Lan được hứa hẹn sẽ nhận khoản tiền lãi 30% mỗi tháng, còn người giới thiệu cũng nhận được khoản chiết khấu 10%. Như vậy càng đóng tiền nhiều, càng mời được nhiều thành viên mới vào hệ thống, khoản tiền hàng tháng mỗi người nhận về sẽ càng cao.

Sau khi nhận khoản lãi hơn 4 triệu từ tháng đầu tiên, chị Lan quyết định dùng tiền tiết kiệm mua thêm 3 đồng bitcoin nữa với tâm lý “đầu tư vài tháng thu lãi rồi sẽ rút vốn ra”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hệ thống BKD đã đóng cửa, chị không biết đi đâu để đòi lại số tiền mình đã bỏ ra.

Giống với BKD, nhiều sản giao dịch tiền ảo đa cấp đang nở rộ tại Việt Nam với hàng loạt các loại tiền được những kẻ đứng sau “sáng tạo” ra như: Onecoin, Ilcoin, Gemcoin… Mỗi mô hình sử dụng một loại tiền ảo riêng nhưng đều có điểm chung là người chơi khi đã nộp tiền thật vào hệ thống, thường sẽ rất khó rút ra.

Những mô hình này bản chất là đưa ra nhiều lời mời gọi hấp dẫn để dụ dỗ người chơi vào mạng lưới, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi không còn ai đóng tiền nữa, hệ thống sẽ sụp đổ; những người đầu tư không thể đòi lại số tiền ban đầu.

Đầu năm nay, Công an thị xã An Khê, Gia Lai đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp người dân đến đến trình báo về việc bị lôi kéo tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “ngân hàng cộng đồng Bitcoin”. Một trong số các nạn nhân cho biết đã vay nặng lãi số tiền hơn 120 triệu đồng để tham gia với hy vọng đổi đời. Sau gần một năm vào hệ thống, tiền lãi đâu chẳng thấy mà bà thậm chí còn mất luôn cả số vốn đã nộp trước đó.

Chỉ là “thả mồi bắt bóng”

Thực tế hiện nay ở Việt Nam, tiền ảo hay tiền điện tử như Bitcoin không được công nhận là một loại tiền tệ và việc mua bán, giao dịch, sở hữu bitcoin nếu có rủi ro sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh đó, nhiều trang web, sàn giao dịch lập ra không có tính pháp nhân ở Việt Nam cũng như tính pháp nhân tại các quốc gia khác trên thế giới, thành ra có vấn đề phát sinh, người chơi cũng không biết kiện ai, đòi ai vì chẳng khác nào “con kiến kiện củ khoai”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đã nhận định: “Doanh nghiệp có pháp nhân khi có tranh chấp còn khó đòi bồi thường, huống hồ một cái hoàn toàn ảo. Chưa kể các “chìa khóa cá nhân” đều nằm trên mạng hay trong ổ cứng máy tính, nếu máy tính hư hay tài khoản bị hack thì toàn bộ tiền mất hết, cái này giống thả mồi bắt bóng”.

Vị chuyên gia này cũng cho biết thường tại các nước đang phát triển, lực lượng lao động dư thừa, đặc biệt là ở những đất nước mà tin đồn thổi luôn có đất sống như ở Việt Nam, người ta hay lao vào những gì có vẻ là dễ kiếm tiền mà không mất nhiều sức lao động. Những mô hình bán hàng lòng vòng, mời thêm người tham gia vào mạng lưới, người trên ăn tiền của người dưới khiến nhiều người mất trắng vì hám lợi.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong tháng 6 vừa qua, dự án luật sửa đổi bộ luật hình sự 2015 đã được thông qua. Theo đó, luật chỉ rõ các hoạt động kinh doanh đa cấp để lừa đảo bao gồm buôn bán thực phẩm chức năng, bán khóa học làm giàu và kinh doanh tiền ảo như bitcoin. Người tham gia vào các hình thức này để lừa đảo, tổn hại đến tài chính của người khác có thể bị xử phạt hình sự lên tới 5 năm tù giam.

Trong bối cảnh đầu tư vào tiền ảo được coi là kênh sinh lời nhanh chóng, hiệu quả, nhiều đối tượng có thể lợi dụng để tạo ra các sàn giao dịch ảo, các mạng lưới đa cấp để dụ dỗ người chơi, do đó mỗi cá nhân nên cân nhắc và có lựa chọn phù hợp với số tiền của mình để không rơi vào tình cảnh như những nạn nhân trong bài.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM