Biến thể virus corona ở Ấn Độ có đáng sợ?

29/04/2021 08:32 AM | Xã hội

Cứ mỗi phút Ấn Độ lại có 215 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong. Việt Nam liệu có thể tránh được đợt bùng phát lớn?

Ngày 5/10/2020, cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID lần đầu tiên chia sẻ cấu trúc gien của virus đột biến B.1.617. Ấn Độ là quốc gia có nhiều bệnh nhân nhiễm B.1.617 nhất, tiếp theo là Anh, sau đó là Mỹ, đến nay có tổng số 22 quốc gia bị lây nhiễm ở các mức độ khác nhau. Chưa rõ B.1.617 có nguồn gốc từ quốc gia nào. Có hai sự hiểu nhầm nên tránh: một là quan niệm chủng virus đột biến B.1.617 có nguồn gốc từ Ấn Độ, hai là thuật ngữ “đột biến kép”. Ấn Độ chỉ là quốc gia có nhiều bệnh nhân nhiễm B.1.617 nhưng không có bằng chứng virus đột biến này xuất phát từ Ấn Độ.

Thuật ngữ “đột biến kép” dùng để ám chỉ có hai đột biến E484Q và L452R. Theo nguyên tắc tiến hóa của mọi virus, chủng B.1.617 khi giải mã trình tự gien, các nhà khoa học thấy có rất nhiều đột biến khác nhau. Nhưng có hai đột biến được các nhà khoa học chú ý nhất; đó là đột biến E484Q có thể giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch, và đột biến L452R có thể giúp virus lây lan nhanh hơn. Thực tế, virus tiến hóa có rất nhiều đột biến cùng lúc, vì thế, hai đột biến như chủng B.1.167 không có gì lạ, thậm chí còn gặp thường xuyên ở SARS-CoV-2 trong suốt thời gian xảy ra đại dịch. Chưa thể nói “đột biến kép” B.1.617 là nhân đôi sự nguy hiểm.

Đột biến E484Q cũng tương tự như E484K - loại đột biến mà trước đó tìm thấy ở biến thể virus tại Anh, Nam Phi và Brazil. Tương tự, đột biến L452R đã xuất hiện trong biến thể CAL.20C gây dịch bệnh ở bang California (Mỹ). Các nhà khoa học không đồng tình với thuật ngữ “đột biến kép” (double mutation) khi đề cập đến biến thể B.1.617 vì thuật ngữ đó dễ gây hiểu nhầm rằng xuất hiện hai đột biến thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng gấp đôi.

Biến thể B.1.617 không quá nguy hiểm

Hầu hết các chuyên gia cho rằng, chủng virus đột biến B.1.617 không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh ở Ấn Độ nằm ngoài tầm kiểm soát. TS Jeffrey Barrett, Giám đốc nghiên cứu gien COVID-19 tại Viện Wellcome Sanger (Anh), cho rằng, biến thể B.1.617 ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil. Về mức độ lây lan, ông Barrett lập luận, rõ ràng biến thể này đã tăng tần suất ở Ấn Độ tạo ra làn sóng rất lớn và bi thảm, nhưng phải mất nhiều tháng mới đạt tới tình trạng nguy hiểm như hiện nay, điều này cho thấy biến thể B.1.617 ít lây truyền hơn so với chủng đột biến ở Anh.

GS Richard Neher, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học Basel (Thụy Sĩ), cũng cho rằng, biến thể B.1.617 không nghiêm trọng hơn các biến thể khác. Mặc dù B.1.617 đang gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, mất kiểm soát, có nguy cơ gây sụp đổ hệ thống y tế ở Ấn Độ , nhưng theo TS Christian Drosten, Trưởng khoa virus học tại Bệnh viện Charité (Đức), không có lý do gì để quá lo lắng với biến thể B.1.617 được gọi là “đột biến kép”. Các chuyên gia virus học đều chung nhận định, biến thể B.1.617 có mức độ nguy hiểm không hơn các biến thể đã xuất hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil.

Việt Nam từng xuất hiện các ổ dịch do biến thể B1.1.7 của Anh xảy ra tại Hải Dương, Quảng Ninh, TPHCM, Hà Nội và một số địa phương khác, nhưng chúng ta đã khống chế và dập tắt hoàn toàn. B.1.617 đã trở thành “sóng thần” quật ngã người khổng lồ Ấn Độ, nhưng với Việt Nam, liệu chúng ta có một lần nữa chiến thắng? Câu trả lời của tôi là: Việt Nam lại chiến thắng B.1.617 một lần nữa.

Ngày chết chóc nhất

Với Ấn Độ, hôm qua là ngày chết chóc nhất với 3.293 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 ở nước này lên 201.187. Xe cứu thương xếp hàng nhiều giờ ở thủ đô New Delhi để đưa thi thể các nạn nhân COVID-19 đến các lò hỏa táng tạm thời trong công viên, bãi đỗ xe - nơi thi thể được hỏa thiêu, Times of India đưa tin.

Chủ quan, mất cảnh giác

Đã gần một tuần lễ, Ấn Độ cứ mỗi phút lại có 215 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong , liên tục những kỉ lục thế giới được xác lập. Với hơn 18 triệu bệnh nhân và gần 200.000 người chết, Ấn Độ trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới, chỉ tạm thời đứng sau Mỹ.

Lý do dẫn đến thảm họa không phải do B.1.617 đột biến. Mà do một số thông tin không chính xác đã tạo nên ảo tưởng, như Ấn Độ đã đạt miễn dịch bầy đàn, khống chế dịch xuất sắc, có hàng loạt chính sách “vắc-xin nhân đạo” được thế giới ca ngợi. Chính phủ Ấn Độ tự hào khi đập bẹp đường cong dịch bệnh. Đầu năm 2021, các biện pháp chống dịch của chính phủ được nới lỏng, việc người dân mất cảnh giác là không thể tránh khỏi.

Google theo dõi sự di chuyển của dòng người ở các quốc gia. Theo đó, kể từ tháng Giêng năm nay, người Ấn Độ mua sắm và di chuyển nhiều hơn hẳn, mật độ người tập trung khá đông ở các khu vực công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, tần suất hoạt động của người dân gần bằng trạng thái bình thường khi chưa xảy ra dịch bệnh.

Khi người dân chủ quan, các biện pháp phòng vệ cá nhân như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khử trùng, giữ khoảng cách xã hội gần như không được tuân thủ. Đó là yếu tố góp phần không nhỏ làm cho dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Hàng loạt hoạt động náo nhiệt ở địa phương, như vận động tranh cử, tụ tập mít-tinh, bầu cử, biểu tình của nông dân, ngay cả việc tổ chức đám cưới lớn cũng là những dịp để COVID-19 bùng phát .

Trước diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ, ngày 28/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi đến Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind. Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi đến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi lời thăm hỏi đến Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.

Nhưng điều không may mắn nhất có lẽ liên quan các lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội Kumbh Mela với dòng người Hindu hành hương khổng lồ, ước tính lên tới hàng trăm triệu, kéo dài hết tháng Tư.

Trong lễ hội, đã có gần 5 triệu người cùng nhảy xuống sông Hằng tắm rửa tội, mỗi ngày có khoảng một triệu người tham gia hành hương cầu nguyện, họ chen vai thích cánh và không đeo khẩu trang vì cho rằng Ấn Độ đã miễn dịch cộng đồng, trong khi thực tế cả người đã nhiễm bệnh và người được tiêm vắc-xin chưa đến 10% dân số.

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Saint Paul)

Cùng chuyên mục
XEM