Biến thể Omicron nguy hiểm hơn đối với trẻ em, chủng phụ BA.4 và BA.5 lây lan mạnh ở Campuchia

19/08/2022 09:45 AM | Xã hội

Đến sáng 19/8, thế giới có trên 598,43 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,46 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 598,43 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Hơn 598,43 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)


Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 95,06 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,064 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Theo báo cáo cập nhật của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội các Bệnh viện Nhi vào ngày 16/8, gần 14,3 triệu trẻ tại Mỹ đã dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Báo cáo nêu rõ, chỉ trong 4 tuần qua, đã có thêm khoảng 371.000 ca mắc mới COVID-19 là trẻ em. Số ca mắc trong tuần gần nhất kết thúc vào ngày 11/8 là gần 87.000 trẻ. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Mỹ ghi nhận gần 6,4 triệu trẻ mắc bệnh này.

AAP nhấn mạnh, điều cấp thiết hiện nay là thu thập thêm các dữ liệu bệnh nhân COVID-19 theo từng nhóm tuổi để có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh này liên quan đến các biến thể mới, cũng như những tác động lâu dài tiềm ẩn của căn bệnh này đối với thể chất, tinh thần, phát triển xã hội của thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 18/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,29 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 527.000 trường hợp thiệt mạng. Ấn Độ đã chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt trong thời gian gần đây.

Một quan chức tại Tổng cục Hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) cho biết, nước này đã áp đặt trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 trong nước gia tăng. Hành khách trên các chuyến bay nội địa ở Ấn Độ cũng được yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Nếu vi phạm, hành khách có thể sẽ bị xử phạt theo quy định của DGCA.

Chính quyền thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng có kế hoạch tái áp đặt quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Những người vi phạm sẽ bị phạt 500 Rupee (6 USD). Hiện nay, việc đeo khẩu trang thường không phổ biến ngay cả ở các trung tâm mua sắm và khu chợ đông đúc.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 153.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,29 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Biến thể Omicron nguy hiểm hơn đối với trẻ em, chủng phụ BA.4 và BA.5 lây lan mạnh ở Campuchia - Ảnh 1.

Pháp đã vượt Brazil trở thành tâm dịch COVID-19 lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Kết quả nghiên cứu công bố mới đây tại Nhật Bản cho thấy, biến thể Omicron nguy hiểm hơn đối với trẻ em. Tỷ lệ trẻ bị sốt trên 38°C và co giật do nhiễm biến thể Omicron cao hơn so với các biến thể lưu hành trước đó của COVID-19.

Kết quả phân tích sức khỏe 850 trẻ em dưới 18 tuổi phải nhập viện điều trị COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron cho thấy, tỷ lệ trẻ từ 2 - 12 tuổi bị sốt trên 38°C chiếm hơn 39% và tỷ lệ trẻ bị co giật là 9,8%. Tỷ lệ này cao gấp 2 - 3 lần so với cuối năm 2021, khi biến thể Delta là chủ đạo.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, đa số trẻ đã tiêm 2 mũi cơ bản vaccine ngừa COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ hơn. Các chuyên gia cho rằng, việc theo dõi thân nhiệt của trẻ em mắc COVID-19 là rất quan trọng, bởi vì nếu sốt quá cao dẫn đến co giật, rất có thể trẻ sẽ bị tổn thương não. Họ khuyến nghị các phụ huynh đưa con em mình đi tiêm chủng, có thể giảm 40 đến 80% nguy cơ mắc COVID-19 trở nặng, dẫn đến biến chứng về tổn thương não hoặc viêm cơ tim.

Nga ngày 17/8 thông báo, nước này ghi nhận 33.106 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 năm nay. Theo thông báo của lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Nga, nước này cũng ghi nhận thêm 63 người tử vong do dịch bệnh này trong ngày 17/8.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Nga trong ngày 18/8 là 35.809, cao hơn 2.000 trường hợp với ngày trước đó. Cùng với đó, Nga có thêm 62 người thiệt mạng do COVID-19

Đầu tháng 7 vừa qua, Nga thông báo chấm dứt mọi hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca tử vong giảm. Tuy nhiên, nước này không loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp chống dịch nếu tình hình xấu đi.

Nhật Bản ngày 18/8 ghi nhận 255.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục theo ngày, trong bối cảnh nước này đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 7. Với biến thể dòng phụ BA.5 của Omicron là chủ đạo, làn sóng lần này đã chứng kiến số ca mắc vượt mức kỷ lục trước đó 250.403 người được ghi nhận vào ngày 10/8. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng do nhiều người đã quyết định đi du lịch để gặp gỡ bạn bè và người thân trong dịp lễ hội mùa hè Bon của Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato kêu gọi mọi người cần cảnh giác, đồng thời cảnh báo rằng "số ca mắc nhìn chung vẫn cao". Ông Kato cho biết thêm, tỷ lệ giường trống tại bệnh viện đang giảm dần và tỷ lệ tử vong cũng như số ca có triệu chứng nặng đang gia tăng.

Ủy ban cố vấn của bộ trên cho biết, số ca nhiễm tăng đang kiến hệ thống y tế ngày càng quá tải. Nhiều xe cứu thương phải vất vả tìm bệnh viện còn giường trống cho bệnh nhân. Hiện có 17 tỉnh, trong đó có Yamagata và Tokushima, đều có số ca mắc COVID-19 tăng cao hơn tuần trước.

Hãng thông tấn Kyodo dẫn một nghiên cứu do các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện cho thấy, đại dịch COVID-19 đã góp phần dẫn đến 8.000 vụ tự tử ở Nhật Bản trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2022. Số lượng các vụ tự tử gia tăng nhiều nhất ở nhóm nữ giới ở độ tuổi 20, trong khi tỷ lệ này ở nhóm nữ giới dưới 19 tuổi cũng chứng kiến mức tăng đáng kể.

Các quy định hạn chế để phòng dịch COVID-19 đã được áp đặt tại Tokyo và các khu vực khác ở Nhật Bản cho đến tháng 3/2022, trong đó yêu cầu mọi người hạn chế di chuyển giữa các địa phương cũng như bắt buộc các nhà hàng, quán bar đóng cửa sớm. Ông Taisuke Nakata, Phó Giáo sư thuộc trường Đại học Tokyo, một thành viên của nhóm nghiên cứu, nhận định: "Nữ giới có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn về mặt kinh tế do ít có công việc ổn định như nam giới. Ngoài ra, những người trẻ tuổi có thể dễ bị cô lập do những hạn chế về hoạt động".

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, tổng số vụ tự tử tại nước này trong cả hai năm 2020 và 2021 là khoảng 21.000 vụ, tăng hơn 1.000 vụ so với giai đoạn 2018 - 2019. Mặc dù vậy, tác động của đại dịch COVID-19 trong vấn đề này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Biến thể Omicron nguy hiểm hơn đối với trẻ em, chủng phụ BA.4 và BA.5 lây lan mạnh ở Campuchia - Ảnh 2.

Ngày 18/8, số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản tiếp tục ở mức cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Ngày 18/8, Bộ Y tế Campuchia đã ghi nhận thêm 256 ca mắc COVID-19, trong đó có những bệnh nhân nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron.

Campuchia chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến COVID-19 kể từ ngày 20/4, nhưng một số bệnh nhân bị nhiễm các biến thể phụ BA.4 và BA.5 đang có những triệu chứng nghiêm trọng so với các biến thể Omicron trước đó. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ đạo điều trị bệnh nhân tại nhà và chỉ đưa người bệnh có diễn biến nghiêm trọng đến bệnh viện.

Bộ Y tế Campuchia tuyên bố, mỗi mũi vaccine tăng cường, dù là mũi thứ 3 hay thứ 4, đều có tác dụng bảo vệ người dân khỏi nguy cơ tử vong nếu mắc COVID-19, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch chống virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Hun Sen đánh giá, việc người dân Campuchia tiêm vaccine ngừa COVID-19 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì "trạng thái bình thường mới".

Tổng thống Philippines Romualdez Marcos cho biết, Chính phủ của ông đang cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng trên cả nước đến cuối năm khi nước này vẫn đang chật vật ứng phó với COVID-19. Ông Marcos cho rằng việc dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ khiến nước này không được tiếp cận những nguồn hỗ trợ hoặc cung ứng từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Do đó, phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Philippines cho biết, nước này có thể sẽ gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp đến cuối năm.

Tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng được ban bố tại Philippines hồi tháng 3/2020. Sau đó, Chính phủ của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã gia hạn biện pháp này tới ngày 12/9/2022.

Ngày 17/8, Philippines ghi nhận 2.892 ca mắc mới. Con số này trong ngày 18/8 là 3.758, cùng 48 trường hợp tử vong mới. Ông Marcos kêu gọi người dân đi tiêm các mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19, nhấn mạnh điều này đóng vai trò quan trọng giúp mở cửa nền kinh tế và ngăn chặn nguy cơ phải áp dụng các biện pháp phong tỏa.

Tỉnh Hải Nam ở miền Nam Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn 26.103 phòng cách ly và 21.003 giường bệnh dã chiến để ứng phó với đợt bùng phát dịch mới nhất. Theo thông báo từ giới chức địa phương, ngày 16/8, tỉnh Hải Nam ghi nhận 482 ca mắc mới được xác nhận và 1.181 ca mắc mới nhưng không có triệu chứng. Các ca mắc mới được ghi nhận chủ yếu ở khu nghỉ dưỡng ven biển thuộc thành phố Tam Á và các thành phố Đam Châu, Đông Phương. Từ ngày 1 - 16/8, tỉnh Hải Nam đã ghi nhận tổng cộng 11.755 ca mắc COVID, trong đó có 5.298 ca được xác nhận và 6.457 ca không triệu chứng.

Chính quyền tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện các nỗ lực nhằm tạo điều kiện để các khách du lịch trở về sau thời gian mắc kẹt. Tính đến sáng 17/8, khoảng 70.815 khách mắc kẹt đã rời khỏi Tam Á và thành phố Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, bằng máy bay.

Theo Quỳnh Chi

Cùng chuyên mục
XEM