BIDV “cầu cứu” Thủ tướng

10/06/2016 23:20 PM | Kinh doanh

Ngày 8/6/2015, BIDV đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc tháo gỡ khó khăn đối với giải pháp tăng vốn điều lệ của BIDV. 6 tháng BIDV ước lãi 3.600 tỷ đồng, tăng 20% cùng kỳ năm trước.

Sau công văn của Bộ Tài chính đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước, ngày 8/6/2015, BIDV đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc tháo gỡ khó khăn đối với giải pháp tăng vốn điều lệ của BIDV.

Trước ĐHCĐ thường niên 2016 của BIDV hai ngày (ngày 22/4/2016), NHNN trả lời công văn của BIDV về các nội dung trình ĐHCĐ 2016 theo hướng với các nội dung về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận, “NHNN sẽ có ý kiến cụ thể đối với đề nghị của BIDV sau khi Bộ Tài chính có ý kiến về các nội dung liên quan”.

Đến ngày diễn ra đại hội, HĐQT BIDV đã thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phần tỷ lệ 8,5%/năm tuy nhiên có kèm theo nội dung “Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm chốt danh sách cổ đông, thời điểm chi trả cổ tức và điều chỉnh phương thức chi trả theo phê duyệt cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Hiện NHNN đang là cổ đông lớn nhất của BIDV, nắm giữ 95,28% cổ phần của ngân hàng, nếu NHNN theo Bộ Tài chính, BIDV liệu có thay đổi lại phương án chi trả từ chia cổ tức bằng cổ phiếu thành tiền mặt? Hiện BIDV vẫn cố gắng cứu vớt tình hình bằng văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng. Nếu phải chi trả bằng tiền mặt, số tiền BIDV chi ra sẽ khoảng hơn 2.900 tỷ đồng trong đó 2.763 tỷ đồng sẽ chảy về Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên BIDV cho rằng ngân hàng này cần phải tăng vốn tự có để duy trì tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, (ii) tuân thủ theo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN và cam kết với các đối tác, (iii) thực thi các mục tiêu quản trị theo thông lệ quốc tế như Basel II-III, (iv) cải thiện định hạng tín nhiệm và đảm bảo các cam kết với cộng đồng quốc tế; do đó ngân hàng giữ quan điểm muốn cho trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng năm 2016 ước đạt 3.600 tỷ, tăng 20% cùng kỳ năm trước

Theo số liệu của BIDV, Tổng tài sản của BIDV tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu nhóm NHTMCP với quy mô 888 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước và 4% so với đầu năm. Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 836 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đạt gần 657 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước và 6% so với đầu năm, phù hợp với nhịp độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng, dự kiến đến hết Quý II/2016, dư nợ tín dụng tăng trưởng 8%-9% so với đầu năm.

Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 820 nghìn tỷ đồng,trong đó huy động vốn từ tổ chức, dân cư đạt trên 705 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước và 7% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chungcủa toàn ngành ngân hàng, dự kiến đến hết Quý II/2016, huy động vốn từ tổ chức, dân cư tăng trưởng khoảng 10% so với đầu năm.

Hiệu quả kinh doanh của BIDV tăng trưởng ổn định với lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động của BIDV tại hải ngoại tiếp tục ghi nhận dấu ấn với việc khai trương Văn phòng đại diện tại CHLB Nga vào tháng 5/2016, nâng tổng số văn phòng đại diện của BIDV tại hải ngoại lên 6 quốc gia/vùng lãnh thổ (Myanmar, Lào, Campuchia, Đài Loan, Séc, Nga). Đồng thời, BIDV đã được Chính phủ Myanmar chấp thuận chủ trương và NHNN Việt Nam phê duyệt hoạt động chi nhánh tại Myanmar. Hiện nay, BIDV đang xúc tiến các thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản.

Cùng chuyên mục
XEM