Bị Vinasun tố “đi đêm” với Grab, Bộ Giao thông Vận tải phản pháo

24/07/2018 09:39 AM | Kinh doanh

Bộ Giao thông Vận tải vừa có ý kiến phản hồi sau khi Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) có đơn “tố” bộ này đã có nhiều sai phạm, thậm chí khuất tất trong quá trình triển khai thí điểm ứng dụng taxi công nghệ Grab – Uber, đặc biệt là khâu phê duyệt thẩm định.

Trước việc Vinasun cho rằng quyết định 24/QĐ – BGTVT ngày 7.1.2016 cho phép thí điểm Uber, Grab có sai phạm nghiêm trọng trong việc thẩm định, phê duyệt để lại nhiều hệ luy, Bộ GTVT phủ nhận ý kiến và cho biết đã nhiều lần trả lời và làm rõ quy trình ban hành quyết định trên và việc thí điểm phù hợp với Luật giao thông đường bộ, Luật giao dịch điện tử và Luật dân sự.

Bộ cũng bác ý kiến của Vinasun cho rằng chương trình thí điểm tạo hệ luỵ ra đời các hợp tác xã “giấy” để lách luật và khẳng định sau hơn 2 năm thí điểm, quy định chỉ DN và hợp tác xã mới được thí điểm hợp đồng điện từ là phù hợp trong quản lý vận tải và quản lý thuế đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Bộ GTVT phủ nhận các cáo buộc về hệ luỵ thất thoát thuế, an toàn giao thông, áp lực cho hạ tầng giao thông.

Theo bộ này, việc triển khai thí điểm góp phần giảm được phương tiện chạy rỗng trên đường, tránh hiện tượng nhiều xe đón 1 khách qua đó giảm áp lực giao thông, chi phí xã hội. Về số lượng đơn vị tham gia thí điểm, bộ cho biết tính đến tháng 10/2017, có 866 đơn vị với 36.809 phương tiện trong đó Tp HCM nhiều nhất với 21.601 xe.

Bộ cũng bác bỏ quan điểm cho rằng có khuất tất trong việc gia hạn thí điểm đề án và có ý kiến cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đang “đơn thương độc mã” và khẳng định lãnh đạo bộ là một tập thể đoàn kết và thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trong xu thế đẩy mạnh tiếp cận và làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh thông tin vào quản lý, khai thác vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng…, việc ứng dụng thí điểm đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng là một tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Loại hình này thực hiện theo hợp đồng vận tải là sự thoả thuận giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải; các đơn vị kinh doanh vận tải được đón trả khách tại các điểm đã được ghi trong hợp đồng và mục đích của việc thí điểm theo Quyết định số 24, Bộ Giao thông Vận tải nói đó chỉ là sự thay thế hợp đồng bằng giấy theo quy định bằng hợp đồng điện tử.

Loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ cao bắt đầu có mặt trên thế giới từ năm 2016 và nhanh chóng trở thành lựa chọn của người tiêu dùng. Trên thế giới Mỹ có Uber, Malaysia có Grab; Indonesia có Go-Jeck; Didi của Trung Quốc, Nga có Yandex. Một số quốc gia đã có chủ trương cấm, hạn chế cung cấp dịch vụ vận chuyển này, chủ yếu tập trung ở một số nước phát triển tại châu Âu, Nhật Bản và một số bang của Mỹ.

Theo Khánh Hòa

Từ khóa:  vinasun , grab
Cùng chuyên mục
XEM