Bí thư Hà Nội nói về việc tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng chống dịch Covid-19: Không làm ồ ạt!

29/09/2021 20:14 PM | Xã hội

Bí thư Hà Nội cho hay, có tình trạng thực hiện không nghiêm phòng chống dịch ở một số địa phương, cửa hàng ăn uống chỉ được bán mang về nhưng vẫn cho khách ngồi ăn uống tại chỗ.

Chỉ cần một chút lơ là, dịch bùng phát trở lại thì thành quả sẽ mất

Trao đổi với báo chí về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, 2 tháng qua, Hà Nội đã thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội.

Ông nêu, chủ động thực hiện giãn cách xã hội là quyết định dũng cảm, kịp thời, đúng và trúng của thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Tranh thủ "thời gian vàng" giãn cách xã hội, thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát thần tốc, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm; đã phát hiện và đưa đi cách ly, điều trị kịp thời nhiều ca F0, truy vết và cách ly triệt để các trường hợp F1.

Bí thư Hà Nội khẳng định, nhờ sự quan tâm của Trung Ương, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin cùng sự hỗ trợ của các đơn vị, địa phương, Hà Nội đã thần tốc hoàn thành cơ bản tiêm mũi 1 vắc xin cho người dân đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên vào ngày 15/9.

Nhờ đó, thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động ngay từ sáng 16/9, đến ngày 21/9 tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động và ngày 28/9 cho phép thêm hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời (nhưng không được tập trung quá 10 người), cho mở toàn bộ trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.

Lý giải việc trong hơn 10 ngày, thành phố 3 lần ban hành văn bản nới lỏng biện pháp phòng dịch, ông Dũng nêu rõ, sở dĩ phải mở từng bước, thận trọng như vậy vì nguy cơ dịch vẫn còn, biến chủng mới của Covid-19 rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 của thành phố còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế.

Bí thư Hà Nội nói về việc tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng chống dịch Covid-19: Không làm ồ ạt! - Ảnh 1.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một chốt “vùng xanh” trên địa bàn quận Đống Đa hồi cuối tháng 8/2021.

Bên cạnh đó, tâm lý một bộ phận người dân lại rất chủ quan. Mặc dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang.

Bí thư Hà Nội cũng thông tin, qua kiểm tra và phản ánh của báo chí, người dân, có tình trạng thực hiện không nghiêm ở một số địa phương, cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang về nhưng vẫn cho khách ngồi ăn uống tại chỗ.

"Tôi đề nghị các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh ngay. Các cửa hàng phải ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của thành phố và các biện pháp phòng, chống Covid-19.

Vì chỉ cần một chút lơ là, dịch bùng phát trở lại thì thành quả sẽ mất", ông Dũng khuyến cáo.

3 biện pháp trọng tâm chống dịch của Hà Nội trong thời gian tới

Bí thư Hà Nội cho biết, dù thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động để bảo đảm phòng, chống dịch.

Nhờ đó, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh trong 60 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy; duy trì hoạt động thương mại, bảo đảm sản xuất một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp...

Thành phố cũng đã triển khai tổ chức sản xuất an toàn, ổn định ở "vùng xanh" để cung ứng hàng hóa cho "vùng đỏ"; tổ chức cho người dân thu hoạch rau màu, vụ lúa hè thu...; chỉ đạo bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay với người lao động có nhu cầu.

Nhờ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì được chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố đã thu được một số kết quả khả quan như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%).

8 tháng đầu năm 2021 thu ngân sách đạt 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp cũng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020...

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch.

Theo Bí thư Hà Nội, thành phố cũng đề ra 3 biện pháp trọng tâm. Thứ nhất, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.

Thứ ba, thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin để trong tháng 10 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vắc xin và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời tăng cường thực hiện tầm soát y tế, xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng và nhóm đối tượng nguy cơ khác để kiểm soát lây lan dịch bệnh.

Hà Nội đã trải qua 4 đợt giãn cách theo Chỉ thị 16, từ 24/7 đến 6h ngày 21/9.

Trong những ngày qua, kể từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 15, số ca mắc mới đều ở mức 1 con số. Trong đó ngày 26/9, lần đầu tiên Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới sau khoảng 3 tháng.

Cộng dồn đợt dịch thứ tư (từ ngày 24/7 đến nay), Hà Nội ghi nhận 3.973 ca nhiễm Covid-19, trong đó ca mắc ngoài cộng đồng 1.061, còn lại là những trường hợp đã được cách ly.

Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM