Bí thư Đồng Tháp: “Điểm nghẽn của ĐBSCL là nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp là tư duy thương vụ”

05/10/2017 09:29 AM | Kinh doanh

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Đồng Tháp, cho rằng cái nghẽn của ĐBSCL là tư duy sản xuất chứ không phải tư duy kinh tế, và là sản xuất nông nghiệp chứ không phải kinh tế nông nghiệp. Liên kết vùng không hiệu quả vì 13 tỉnh lớn, ông có rừng, ông có biển,ông có đảo nhưng còn lỏng lẻo.

Trong cuộc họp bàn mới đây giữa lãnh đạo 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao để chuẩn bị cho Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2017, Bí thư Đồng Tháp – Lê Minh Hoan, đã có những chia sẻ tâm huyết về những điều đang diễn ra tại đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Minh Hoan từng được giới truyền thông gọi là ông bí thư hay cười. Ông là người nổi tiếng trong việc đóng góp cho phong trào khởi nghiệp của Đồng Tháp.

Cái nghẽn của ĐBSCL là tư duy sản xuất chứ không phải tư duy kinh tế

Trong phần phát biểu của mình, ông Hoan cho biết ông từng dự nhiều hội thảo về ĐBSCL và ông cho rằng, muốn làm được tất cả thì không làm được gì cả.

“Có lẽ làm được gì ta nên tập trung làm ra một kết quả hẳn hoi, một giải pháp mà vừa khuyến nghị chính sách lên Chính phủ cũng được, mà khuyến nghị hành động của lãnh đạo địa phương cũng được”, ông Hoan nhận định.

Bí thư Đồng Tháp cho rằng người ta nói về ĐBSCL vài chục năm rồi và câu chuyện vẫn trong tình trạng loay hoay. “Có lẽ một trong những loay hoay mà ta là đặt vấn đề nhiều quá. Tôi thấy đề tài nào cũng là sống còn của ĐBSCL, như sạt lở, giao thông… Có lẽ những cái này đụng chạm đến thể chế và nhiều vấn đề, nên mình phải tập trung vào 1 đề tài nghiên cứu về kinh tế, nhất là phát huy tiềm năng bản địa”, lãnh đạo Đồng Tháp chỉ ra vấn đề mà ĐBSCL đang gặp phải.

Lãnh đạo Đồng Tháp cho rằng cái nghẽn của ĐBSCL là tư duy sản xuất chứ không phải tư duy kinh tế, và là sản xuất nông nghiệp chứ không phải kinh tế nông nghiệp. Liên kết vùng không hiệu quả vì 13 tỉnh lớn, tỉnh có rừng, tỉnh có biển, tỉnh có đảo nhưng liên kết vùng còn lỏng lẻo.

“Xưa giờ ta tập trung cho sản xuất, tất cả những chính sách hướng đến người sản xuất mà chưa hướng đến một chuỗi để khai thông hệ thống phân phối hoặc chế biến từ những tài nguyên bản địa. Tôi từng nói mọi người nghiên cứu những đề tài sau đây.

Nếu nói về kinh tế thì chuyển tư duy từ một nền sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp, đâu là lực đẩy, đâu là lực kéo.

Hoặc là mở rộng hạn điền để tích tụ ruộng đất, đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn.

Hoặc là di dân ĐBSCL lên các tỉnh miền Đông để lao động, đâu là điểm sáng, đâu là điểm tối. Hay là trong sáng có tối và trong tối có sáng”, ông phân tích.

Nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp là tư duy thương vụ

Ông Hoan dẫn lời ông Huỳnh Kỳ Trân, Tổng giám đốc Công ty Lan Hảo, chủ thương hiệu mỹ phẩm Thorakao, rằng tận dụng nguồn tài nguyên bản địa sẽ phát huy được những sản vật của Đồng Tháp Mười. Nếu chịu khó phân tích, nghiên cứu thì một ngày không chừng gạo của Đồng Tháp sẽ đắt hơn gạo của Tứ giác Long Xuyên vì hệ sinh thái khác nhau.

Tuy nhiên, lãnh đạo không có tư duy kinh tế thì rất khó dẫn dắt. Rồi đến câu chuyện doanh nghiệp. Ông kể, ông từng ngồi nói chuyện với mấy doanh nghiệp cá tra. Họ như muốn khóc, ai cũng nói phải liên kết lại và họ đặt ra câu hỏi vì sao đã xây dựng những chuỗi này kia rồi mà vẫn không được.

“Tôi cảm giác điểm nghẽn của ĐBSCL là nông dân thì tư duy mùa vụ, DN là tư duy thương vụ”, bí thư Đồng Tháp nhận định.

Ông Hoan cho rằng phải kết hợp lý thuyết và và nhiều câu chuyện thì mới giải quyết được vấn đề. “Tôi biết đã có nhiều thay đổi từ doanh nghiệp, người nông dân, nhưng lực kéo lại lớn hơn lực đẩy. Nông dân nói, ông kêu tôi trồng sạch nhưng liệu người ta có mua giá cao hơn tôi không trồng sạch không. Họ nói thế nên tôi phải đi nói cho họ hiểu. Rồi một ngày nào đó tôi nghĩ người ta cũng nói đến những người làm sản xuất tử tế thôi”, lãnh đạo Đồng Tháp phân tích.

Ông Hoan kể lại một câu chuyện liên quan đến giá cả. Câu chuyện là có doanh nghiệp nói với ông rằng mời gọi đầu tư rất khó khăn. Chẳng hạn như với trái xoài Đồng Tháp có giá cao hơn xoài Thái Lan, như thế làm sao cạnh tranh lại với sản phẩm của doanh nghiệp Thái trong khi họ cũng làm y như thế.

“Tôi nói với bà con nông dân trồng xoài Đồng Tháp rằng, doanh nghiệp Thái chở qua mình 1.000 km, với bao chi phí, vậy mà người ta vẫn bán được ở ngay chợ xoài Cao Lãnh, thì mình phải nghĩ gì về điểm nghẽn của mình. Đó là bà con mình xưa nay không có tư duy kinh tế. Và đó là một trong những bài toán cần giải quyết”, ông kết luận.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM