Bí quyết xanh của một thành phố ở Hà Lan: Xe đạp chiếm 65%, hơn một nửa lượng rác thải được tái chế, sử dụng 1.500 tấm pin mặt trời
Vào năm 2018, vinh dự đã thuộc về thành phố Nijmegen, thành phố đầu tiên của Hà Lan nhận được danh hiệu Thủ đô xanh của châu Âu. Nằm ở phía đông của Hà Lan, Nijmegen đã chiến thắng các đối thủ khác như Ghent (Bỉ), Lahti (Phần Lan), và Tallinn (Estonia).
Hiện tại, gần 4 tỷ người đang sống trong thành thị trên khắp thế giới, trong đó, 2/3 dân số tại châu Âu đã sống ở các thành phố. Đến giữa thể kỷ 21, con số này sẽ tăng thêm 2,5 người, với 90% sự gia tăng đó xảy ra tại các thành phố nằm ở châu Á và châu Phi.
Tuy nhiên, khi quy mô của nhiều thành phố mở rộng gấp đôi mỗi 15 – 20 năm, môi trường đô thị của chúng ta hiện nay đang thiếu những nguồn lực cần thiết để thích ứng với quá trình đô thị hóa. Các thành phố sẽ cần đáp ứng được số lượng dân cư đông đảo, phục vụ nhu cầu của họ và kích thích thương mại và đầu tư để tạo việc làm, tất cả được thực hiện trong bối cảnh phải đối phó với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, nghèo đói và việc làm.
Đầu tư, phát triển và công nghệ sẽ trở nên cực kỳ quan trọng. Đối với các nhà lãnh đạo thành phố dưới áp lực phải đáp ứng nhu cầu trên nhiều lĩnh vực – từ vệ sinh, giáo dục, cho đến an ninh và giao thông công cộng, thì không có gì tốt hơn một cuộc cạnh tranh trong khu vực để thúc đẩy đổi mới và giúp chứng minh khả năng và thu hút đầu tư vào thành phố của họ.
Kể từ năm 2010, Chương trình Thủ đô xanh châu Âu do Ủy ban châu Âu điều hành được tổ chức với mục đích đó. Các thành phố trên khắp châu Âu cạnh tranh nhau để giành danh hiệu này. Chiến thắng trong năm đầu tiên thuộc về thành phố Stockholm của Thụy Điển, theo sau là Hamburg – Đức, Vitoria-Gasteiz – Tây Ban Nha, Nates – Pháp, Copenhagen – Đan Mạch, Bristol – Vương quốc Anh, Ljubljana – Slovenia và Essen – Đức.
Vào năm 2018, vinh dự đã thuộc về thành phố Nijmegen, thành phố đầu tiên của Hà Lan nhận được danh hiệu Thủ đô xanh của châu Âu. Nijmegen, thành phố ở phía đông Hà Lan, đã chiến thắng các đối thủ khác như Ghent (Bỉ), Lahti (Phần Lan), và Tallinn (Estonia). Trong 12 tháng tiếp theo, thành phố này sẽ đóng vai trò là một hình mẫu cho phát triển đô thị bền vững, chia sẻ và quảng bá những ý tưởng tốt nhất đã được thử nghiệm và kiểm tra tại đây.
Theo Karrmenu Vella, Ủy viên ủy ban Môi trường của Liên minh châu Âu, Nijmegen đã “thể hiện được kết quả mà sự hợp tác thực sự có thể đạt được”. Từ các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng và cam kết với nền kinh tế tuần hoàn, phong trào sử dụng xe đạp và phương tiện xanh vượt trội đến các biện pháp chống lụt lội đầy ấn tượng tại sông Waal đã tạo nên tên tuổi Nijmegen trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững ở châu Âu.
Chính quyền thành phố với gần một triệu dân là một tấm gương cho các thành phố khác noi theo. Có 1400 m2 mái nhà xanh và gần 1500 tấm pin mặt trời trên đỉnh các tòa nhà trong thành phố. Người dân sử dụng nguồn điện sạch này và ô tô chạy bằng khí sinh học. Trên thực tế, toàn bộ xe buýt của thành phố chạy bằng khí sinh học sản xuất trong khu vực.
Đối với những người dân Nijlegen không đi xe buýt, thì họ sử dụng xe đạp, biểu tượng của lối sống tại Hà Lan. Với 250.000 xe đạp trong thành phố, đạp xe chiếm 65% tất cả các chuyến đi được thực hiện vào trung tâm thành phố và đại học Radbound tại thành phố này. Các đường cao tốc dành riêng cho xe đạp dài 60km giúp cho việc đi lại bằng phương tiện này trở nên dễ dàng hơn. Sắp tới, thêm 20km đường cao tốc sẽ được xây dựng, biến xe đạp thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu.
Thêm vào đó, 67% chất thải của Nijmegen hiện đang được tái chế, với mục tiêu tăng tỉ lệ này lên 75% trong 2 năm tới. Tất cả rác thải sinh hoạt còn lại được chuyển thành năng lượng, cung cấp hệ thống sưởi khu vực cho cư dân thành phố.
Chương trình gây ấn tượng mạnh với giảm khảo của Thủ đô xanh là dự án Không gian cho sông Waal. Các kỹ sư đã tạo ra một kênh mới để thoát nước sông Waal vào thời kỳ nước cao, giảm đáng kể nguy cơ lụt lội và tăng khả năng hồi phục của toàn khu vực trong bối cảnh khí hậu thay đổi.
Còn nhiều ví dụ về các thành phố khác nơi đã thực hiện những ý tưởng tuyệt vời, và những thành phố đoạt giải Thủ đô xanh của châu Âu thường là những ví dụ hữu ích. Thay vì chờ đợi sự hướng dẫn và động viên từ các chính phủ quốc gia, nhiều chính quyền thành phố đã chủ động đem lại những thay đổi tích cực cho khu vực của họ.
Ở các thành phố như Nijmegen, công dân là một phần quan trọng trong quá trình tham gia và đưa ra quyết định nhằm giúp mọi người cảm thấy tự hào và có cảm giác thuộc về. Bằng cách đó, các thành phố của tương lai sẽ là nơi chúng ta sẽ muốn sinh sống và tận hưởng, thay vì chỉ là nơi chúng ta tồn tại.