Bí quyết thành công của ông chủ “lập dị” nhất Nhật Bản: Nhân viên - người làm ra tiền mới là số 1
Khi thấy một nhân viên chăm chỉ với công việc, dù không phù hợp, tỷ phú Shigenobu Nagamori cũng không bao giờ sa thải họ. Thay vào đó, ông tìm một vị trí khác để nhân viên đó có thể làm đúng khả năng của mình. Đặc biệt, vị tỷ phú luôn ăn trưa cùng nhân viên.
Trong một buổi phỏng vấn với Bloomberg, tỷ phú 71 tuổi Shigenobu Nagamori - CEO nổi tiếng của tập đoàn Nidec - chia sẻ bí quyết thành công của ông là đặt nhân viên - những người mang lại tiền cho công ty - lên trên nhà đầu tư. Ông tin rằng xét về lâu dài, chính các cổ đông của công ty sẽ là những người được hưởng lợi từ đội ngũ lao động chăm chỉ và làm việc hiệu quả.
“Khi các nhà đầu tư hỏi, tôi sẽ không ngần ngại nói rằng họ là số 1 nhưng thực tế tôi không thực sự nghĩ vậy. Khi bạn chấp nhận rót vốn vào một công ty, bạn có quyền cân nhắc với lựa chọn của mình. Điều này cũng giống như việc tôi không có quyền lựa chọn nhà đầu tư, nhưng các nhà đầu tư thì có quyền chọn công ty mà họ bỏ tiền vào” – CEO Nidec cho biết.
Chính vì vậy, ông Nagamori luôn chú ý tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất cho tất cả nhân viên. Khi thấy một nhân viên chăm chỉ với công việc, dù không phù hợp ông cũng không bao giờ muốn sa thải họ. Thay vào đó, ông tìm một vị trí khác để nhân viên đó có thể làm đúng khả năng của mình. Ông cũng luôn ăn trưa cùng nhân viên.
Các công ty của Nhật thường nổi tiếng với văn hóa làm việc suốt đời, nghĩa là nhân viên của họ thường gắn bó rất lâu dài với công ty. Thậm chí nhiều người gần như không thay đổi công việc trong suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều công ty phải “vật lộn” để giữ chân nhân tài khi mà thị trường lao động đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt với các ngành sử dụng nhiều lao động bán thời gian giá rẻ và ít chế độ đãi ngộ hơn.
Trong bối cảnh đó, Nidec là một điểm sáng. Công ty này bắt đầu từ trang trại của mẹ ông Nagamori và đến nay đã phát triển thành một “gã khổng lồ” điện tử của Nhật trị giá 27 tỷ USD. Công ty kinh doanh đa lĩnh vực từ bán phần cứng điện tử đến sản xuất các thiết bị điện tử.
Vào thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Nidec đã mua lại các công ty Nhật đang trên bờ vực phá sản và mua lại những đơn vị bỏ đi của Toshiba và Hitachi. Khi người tiêu dùng chuyển sang dùng máy tính bảng và điện thoại thông minh, thị trường dành cho mô-tơ ổ cứng đã bắt đầu đi xuống. Vì thế, Nagamori lao vào cơn sốt thâu tóm khác. Nidec đã thâu tóm 14 công ty kể từ năm 2000. Một trong những thương vụ đầu tiên của ông là mua lại bộ phận mô-tơ của nhà sản xuất thiết bị Mỹ Emerson Electric.
“Trong những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuyển dụng những nhân viên bị sa thải từ các công ty khác. Không ai chịu làm cho một công ty mới như chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã đào tạo họ giỏi lên và họ đã thực sự rất xuất sắc” - ông nhớ lại.