Cuộc đổ bộ của du học sinh Đông Nam Á sang Nhật Bản, 1/4 số sinh viên quốc tế là người Việt
Nhật Bản đang cố gắng gia tăng quan hệ với các nền kinh tế mới nhằm mở rộng thị trường cũng như cơ hội kinh doanh cho các tập đoàn của họ, nhất là khi thị trường lớn Trung Quốc có quá nhiều bảo hộ cũng như sức ép từ chính quyền Bắc Kinh.
Ngoài những mảng nổi tiếng như công nghệ kỹ thuật, giáo dục, thực phẩm, nông nghiệp thì mặt trận mới nhất của Nhật Bản hiện nay là giáo dục. Nhật Bản đang tăng cường tuyển sinh từ các nước với kỳ vọng lực lượng lao động này sẽ gia tăng mối quan hệ giữa 2 quốc gia trong tương lai.
Đặc biệt, Đông Nam Á trở thành trọng tâm của Nhật Bản khi khu vực này là điểm đến đầu tư quan trọng cũng như là nơi hội tụ nhiều tài năng trẻ chưa được khai phá.
Đứng đầu trong số các nước trên phải nói đến Việt Nam. Số liệu của tổ chức JSSO cho thấy số sinh viên Việt học tại Nhật đã tăng hơn 12 lần trong 6 năm tính từ tháng 5/2016 lên 54.000 học sinh.
Hiện số sinh viên Việt Nam chiếm gần 1/4 tổng số sinh viên quốc tế tại Nhật, đứng sau Trung Quốc với 41%. Tuy vậy, số du học sinh Trung Quốc tại đây đang giảm dần trong vài năm qua.
Số du học sinh Việt Nam đang tăng nhanh tại Nhật, chỉ xếp sau Trung Quốc
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đang cố gắng gia tăng vị thế của mình tại Đông Nam Á bởi khu vực này đang có tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng khi giới trung lưu tăng mạnh. Do đó, nhu cầu tiêu dùng, xây dựng cơ sở hạ tầng hay những ngành khác như giáo dục trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản hay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đầu tư của Nhật vào Đông Nam Á tăng lên cũng một phần do căng thẳng chính trị với Trung Quốc khiến thị trường này giảm sức hấp dẫn. Những động thái thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) hay dự án “Một vành đai, Một con đường” đều khiến chính quyền Tokyo dè chừng. Hơn nữa, việc Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng cũng khiến các doanh nghiệp Nhật cố gắng tìm kiếm những thị trường mới nổi tiềm năng hơn.
Chính phủ Nhật hiện đang ưu tiên tuyển sinh các sinh viên từ ASEAN. Trường hợp chị Trần Thị Quỳnh My, nhân viên của một cơ quan nhà nước Việt Nam là một ví dụ khi 2 đứa con của chị nhận được học bổng từ Nhật Bản.
“Tôi chọn Nhật Bản vì nơi này có chi phí thấp hơn nhiều nước có nền giáo dục tốt tương đương, học sinh ở đây cũng có kỷ luật tốt. Sau khi tốt nghiệp, các con của tôi sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn lúc quay lại Việt Nam, nhất là khi có ngày càng nhiều công ty Nhật Bản đầu tư vào đất nước chúng tôi”, chị My nói với hãng tin Bloomberg.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 6% năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2016 và trở thành một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, Viện Mizuho Research cho rằng các công ty Nhật đang tăng cường tìm kiếm thị trường tại Đông Nam Á, khu vực mà thu nhập cũng như tiêu dùng của người dân đang tăng trưởng trong những năm gần đây.
Hiện Nhật Bản đã là đối tác thương mại lớn thứ 3 với Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng lên đến 30 tỷ USD năm 2016, cao gấp đôi so với mức 16,8 tỷ của năm 2010.
Chính phủ 2 nước cũng đang kỳ vọng đẩy mạnh thương mại song phương lên 60 tỷ USD năm 2020. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào Việt Nam với 42,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến tháng 3/2017.
Kim ngạch thương mại Việt-Nhật đang tăng mạnh những năm gần đây (tỷ USD)
Trước đây, hầu hết các công ty Nhật tìm đến Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ nhưng trong những năm gần đây, sự tăng trưởng của thị trường nội địa đã thu hút nhiều công ty dịch vụ như các nhà bán lẻ.
Dẫu vậy, dù trong mảng nào thì các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các nhân viên có trình độ cao, kỹ năng tốt và đặc biệt là có thể hòa nhập về ngôn ngữ, văn hóa Nhật. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu tại Việt Nam khi hầu hết các công ty đều gặp khó với vấn đề tuyển dụng lao động phù hợp.
Nhu cầu cao
Theo JASSO, sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty Nhật tại Việt Nam đã thúc đẩy các sinh viên cũng như phụ huynh kỳ vọng vào một tương lai sự nghiệp tốt sau khi du học tại Nhật Bản
“Nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng vào điều này. Gia đình gửi con cái họ đu du học như một khoản đầu tư với hy vọng họ lợi ích thu lại sẽ lớn”, Giám đốc JASSO, ông Itsuro Tsutsumi nói.
Dẫu vậy, những kỳ vọng quá lớn có thể trở thành thất vọng. Vào tháng 4 vừa qua, Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam đã cảnh báo ngày càng có nhiều trường hợp sinh viên Việt nam hay các thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật đã lâm vào cảnh nợ nần sau khi trả khoản tiền phí lớn cho các nhà mối giới và bị lừa dối về một cơ hội việc làm tốt trong tương lai nếu du học Nhật.
Tất nhiên, không phải trường hợp nào du học Nhật cũng lâm vào cảnh nợ nần. Cô Trần Thị Bích Phượng, một du học sinh Việt Nam đã nhận được 2 học bổng chuyên ngành marketing tại trường Đại học Ritsumeikan Asia Pacific thuộc quận Oita ở Tây Nam Nhật Bản. Một là học bổng từ trường đại học và học bổng còn lại là từ JASSO.
Cũng theo trường Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, số sinh viên Việt Nam du học tại đây đã tăng gấp 3 lần lên hơn 500 sinh viên trong vòng 10 năm qua.
Cô Phượng hiện đang có kế hoạch tìm kiếm một công việc ở Nhật sau khi tốt nghiệp vào tháng 9 tới đây.
“Nếu được làm việc tại một công ty Nhật, tôi sẽ có cơ hội học được các kỹ năng làm việc cũng như mở rộng kiến thức. Về lâu dài, tôi muốn trở lại quê nhà và sử dụng những kỹ năng, kinh nghiệm mà mình học được ở Nhật tại Việt Nam”, cô Phượng nói.